Người lao động được nghỉ mấy ngày khi kết hôn?

16/07/2018 - 12:11
"Em đang làm việc cho một công ty nước ngoài, theo diện hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Sắp tới, em dự định sẽ kết hôn, song số ngày phép của năm vì có việc gia đình nên em đã xin nghỉ hết. Đề nghị Báo PNVN cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp của em khi kết hôn thì được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày? Những ngày nghỉ đó có được hưởng lương không?",Chu Thị Bích Hạnh (Quảng Nam).
Trả lời: Theo quy định tại Điều 116, Bộ luật Lao động năm 2012 về nghỉ việc riêng, nghỉ việc không hưởng lương, thì:

1. Người lao động nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

 
a) Kết hôn: nghỉ 3 ngày; b) Con kết hôn: nghỉ 1 ngày; c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 3 ngày.
 
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
 
Ảnh minh họa
 
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
 
Căn cứ vào quy định trên, khi kết hôn, bạn được nghỉ tối đa là 03 ngày và hưởng nguyên lương.
 
Còn theo Khoản 2, Điều 26, Nghị định 05/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động về tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương, thì: “Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1, Điều 116, Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ việc riêng có hưởng lương”.
 
Như vậy, ngoài việc bạn được nghỉ 3 ngày hưởng nguyên lương khi kết hôn, bạn có thể thỏa thuận với công ty để được nghỉ thêm một số ngày nhất định không hưởng lương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm