Người lao động phải cách ly do dịch Covid-19 có bị cắt giảm lương?

PVH
24/03/2020 - 20:20
Người lao động phải cách ly do dịch Covid-19 có bị cắt giảm lương?
Thời gian qua, số người dương tính với dịch Covid-19 tăng nhanh, khiến những người tiếp xúc gần (F1, F2…) cũng buộc phải cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Nhiều người lao động băn khoăn, trong thời gian cách ly dài ngày đó phải nghỉ làm, họ có bị cắt giảm lương?

Theo Bộ Y tế, tính đến 9h ngày 24/3/2020, Việt Nam có 123 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong. Bên cạnh đó, tổng số người tiếp xúc gần và người từ vùng dịch về đang được cách ly y tế theo dõi sức khỏe là hơn 50.000 người.

Theo quy định, việc thực hiện cách ly y tế kéo dài ít nhất 14 ngày, như vậy cũng đồng nghĩa với việc họ phải nghỉ việc trong thời gian cách ly. Nhiều lao động tỏ ra băn khoăn, trong quãng thời gian buộc phải nghỉ làm việc thì họ có được nhận tiền lương?

Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012, nếu vì dịch bệnh nguy hiểm mà người lao động phải ngừng việc thì người lao động được trả lương ngừng việc; tiền lương ngừng việc do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH (29/12/2015) của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian người lao động ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức tiền lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc.

Người lao động phải nghỉ việc để điều trị, chăm sóc sức khỏe (không được hưởng tiền lương) và có xác nhận của cơ sở y tế thì được xem xét, giải quyết chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh thì được xem xét, giải quyết trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thời gian người lao động phải cách ly do dịch Covid-19 có bị cắt lương? - Ảnh 1.

Vì dịch bệnh nguy hiểm mà người lao động phải ngừng việc thì người lao động được trả lương ngừng việc

Hiện nay, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến cho số lượng lao động phải cách ly, bị ngừng việc tăng lên nhanh. Tại báo cáo nhanh về tác động của dịch Covid-19 gửi Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý II/2020, sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm.

Nếu trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, sẽ có từ 350 đến 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 2-3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm