Người phi thường trong phong trào dân quyền Mỹ

Nhu Thụy (Tổng hợp)
09/10/2020 - 07:23
Người phi thường trong phong trào dân quyền Mỹ
Trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ năm 2020, ứng cử viên Joe Biden đã nhiều lần mượn lời của nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi Ella Baker (1903-1986) để đưa ra thông điệp đoàn kết cho người dân Mỹ.

Ánh sáng dẫn đường

Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử ứng viên Tổng thống tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, ông Biden mở đầu bài phát biểu bằng trích dẫn câu nói của bà Baker: "Ella Baker, người phi thường trong phong trào quyền dân sự, đã để lại câu nói thông thái này: Hãy cho người dân ánh sáng và họ sẽ tìm ra đường. Hãy cho người dân ánh sáng. Đây là những lời cho thời đại chúng ta... Nếu các bạn tin tưởng tôi ở cương vị Tổng thống, tôi sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhất, không phải những điều tồi tệ nhất. Tôi sẽ là đồng minh của ánh sáng, không phải của bóng tối".

Bên cạnh đó, trong phần kết bài phát biểu, ông Biden lặp lại lời của bà Baker: "Tình yêu mạnh mẽ hơn thù hận. Hy vọng mạnh hơn nỗi sợ. Ánh sáng mạnh hơn bóng tối" và sau đó kêu gọi tình yêu, hy vọng và ánh sáng trong cuộc đấu tranh vì nước Mỹ.

Người phi thường trong phong trào dân quyền Mỹ - Ảnh 1.

Nhà hoạt động dân quyền Ella Bakerư

Ella Baker là ai mà ông Biden nhắc nhớ nhiều đến vậy? Ella Baker sinh ngày 13/12/1903 tại Norfolk, Virginia, Mỹ. Bà lớn lên ở vùng nông thôn Bắc Carolina cùng với người bà của mình. Từ khi còn bé, bà của Baker đã kể cho Baker nghe nhiều chuyện về cuộc đời làm nô lệ của mình, cả việc bà bị đánh đập, ngược đãi khi còn trong tay ông chủ. Những câu chuyện đã khơi dậy cho Ella Baker khao khát đấu tranh vì công lý.

Là một người thông minh, sáng dạ, Baker học tại đại học Shaw ở Raleigh, Bắc Carolina. Bà là thủ khoa và được đọc diễn văn tại lễ tốt nghiệp năm 1927. Sau khi hoàn thành bằng cử nhân, Baker chuyển đến New York sinh sống. Ở đó, bà đã trải qua nhiều công việc, cố gắng kiếm đủ tiền chi trả cho cuộc sống. Bà nhận thấy công bằng kinh tế chính là một phần quan trọng trong đấu tranh vì tự do nói chung và vì người Mỹ da màu nói riêng. Bà nói: "Mọi người không thể tự do cho tới khi có đủ việc làm ở mảnh đất này để ai cũng có công việc".

Năm 1932, bà Baker tham gia và sau đó không lâu đã trở thành Giám đốc quốc gia của Liên đoàn Hợp tác Thanh niên da màu, một tổ chức được thành lập năm 1931, tại đỉnh điểm Đại Suy thoái. Mục tiêu của Liên đoàn là tìm kiếm sức mạnh kinh tế cho người da màu thông qua các mạng lưới tập thể. Baker là một trong những thành viên ban đầu thành lập Liên đoàn ở thành phố New York, nơi hỗ trợ các thành viên của mình tập trung vốn để có được những hợp đồng tốt hơn về hàng hóa và dịch vụ.

Cuối những năm 1930, bà Baker làm việc tại Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) và năm 1940, bà trở thành thư ký của tổ chức này, chịu trách nhiệm về các hoạt động tuyển mộ, gây quỹ, tổ chức, đặc biệt là ở miền Nam. Năm 1943, bà trở thành giám đốc của các chi nhánh NAACP và là người phụ nữ giữ chức vụ cao nhất trong tổ chức.

Bà đã dành nhiều năm để tổ chức các sự kiện cho những nhà hoạt động lừng danh như Thurgood Marshall, Martin Lither King Jr. và nhiều người nữa. Năm 1957, Baker gia nhập Hội đồng lãnh đạo cơ đốc miền nam (SCLC) với tư cách là giám đốc điều hành theo yêu cầu của tiến sĩ Martin Luther King Jr. Tổ chức này là một nhóm hoạt động vì quyền dân sự được tạo ra bởi các bộ trưởng người Mỹ gốc Phi và các nhà lãnh đạo cộng đồng.

Chuỗi ngày chiến đấu chống bất công

Baker được cho là một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, có sức lôi cuốn. Bà đã thúc đẩy các tổ chức cơ sở, ủng hộ dân chủ triệt để và khuyến khích khả năng của những người bị áp bức để họ có thể hiểu thế giới của chính mình và trở thành một thế lực ủng hộ chính mình. Người ta nhận ra tầm quan trọng của bà một cách đầy đủ nhất vào những năm 1960 khi bà là cố vấn và chiến lược gia của Ủy ban điều phối bất bạo động sinh viên (SNCC). SNCC trở thành một phần không thể thiếu của phong trào quyền dân sự. Các thành viên hỗ trợ tổ chức phong trào Freedom Rides năm 1961, trong đó người dân phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại các điểm dừng xe buýt. Năm 1964, các nhà hoạt động SNCC hỗ trợ tổ chức phong trào Freedom Summer, đợt vận động đăng ký cử tri ở Mississippi nhằm biến vấn đề phân biệt chủng tộc ở bang này thành mối quan tâm tầm quốc gia. Nguyên tắc cơ bản của SNCC là hành động trực tiếp phi bạo lực và đã thu được kết quả mạnh mẽ.

Các cuộc tuần hành phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc do bà Ella Baker dẫn dắt

Bà Baker được bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi quan trọng nhất của thế kỷ XX và có lẽ là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong phong trào dân quyền. Bà còn được biết đến với những lời phê bình không chỉ về phân biệt chủng tộc trong văn hóa Mỹ, mà còn cả chủ nghĩa phân biệt giới và chủ nghĩa giai cấp phong trào dân quyền.

Bà đã giúp thành lập Đảng Dân chủ Tự do Mississippi (MFDP) năm 1964 để thay thế cho Đảng Dân chủ của nhà nước vì có quan điểm phân biệt chủng tộc. Đảng này thậm chí đã cố gắng để đưa các đại biểu của họ thay thế cho các đại biểu của Mississippi tại Công ước về dân chủ quốc gia ở thành phố Atlantic, New Jersey cùng năm đó. Mặc dù không thành công trong nỗ lực này nhưng các hoạt động của MFDP đã mang lại nhiều sự chú ý cho mục tiêu của họ.

Baker tiếp tục đấu tranh vì sự bình đẳng và công bằng xã hội trong suốt quãng đời còn lại. Với nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò người biểu tình và tổ chức những cuộc biểu tình, bà đã đưa ra lời khuyên, cố vấn cho nhiều tổ chức, bao gồm Ủy ban Điều phối Phụ nữ thế giới thứ ba và Ủy ban Đoàn kết Puerto Rico.

Baker qua đời vào ngày sinh nhật thứ 83 của bà, ngày 13/12 /1986 tại thành phố New York. Trong những năm sau khi qua đời, bà Baker được vinh danh theo nhiều cách. Bà là chủ đề của nhiều cuốn tiểu sử. Năm 2009, bà xuất hiện trên tem bưu chính. Đặc biệt, việc ông Biden trích dẫn lời bà, coi đó là ánh sáng dẫn đường cho chiến dịch tranh cử, là điều quan trọng với những người hiểu lịch sử nước Mỹ và di sản của bà Baker.

Sử gia Ransby viết trên tờ New York Times đầu năm 2020: "Bà Baker là chiến lược gia, nhà tổ chức và là người khai sinh phong trào hoạt động. Sự nhạy bén chính trị, phong thái lãnh đạo khiêm nhường và tầm nhìn chính trị sắc bén của bà đã trở thành huyền thoại". Cuộc đời và thành tựu của Baker đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu "Câu chuyện của Ella Baker" ra đời năm 1981.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm