Bỏ nghề bác sĩ để làm võ sư
Bà Seema Rao từng tốt nghiệp Đại học Y. Sau khi ra trường, thay vì làm bác sĩ với mức lương ổn định, bà lại theo đuổi niềm đam mê võ thuật. Dù đã có đai đen ở bộ môn taekwondo nhưng bà tiếp tục học thêm nhiều bộ môn như đấm bốc, bắn súng, leo núi, lặn biển và các bộ môn tìm hiểu các địa hình khác nhau…
Trong một lần tập luyện ở nơi công cộng, bà Rao tình cờ tạo được ấn tượng tốt với một quan chức trong ngành cảnh sát ở thành phố Pune. Bà được mời đến nói chuyện với cảnh sát về việc trau dồi những kỹ năng võ thuật. Sau đó, bà được mời huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ và các tổ tự quản. Tiếng lành đồn xa, bà tiếp tục nhận được lời mời của đồn cảnh sát ở Mumbai. Những nơi bà làm việc, ai cũng đánh giá cao về năng lực và trách nhiệm của bà đối với công việc, bởi vì bà không chỉ huấn luyện thể chất, mà còn chỉ dẫn học các ăn uống, luyện tập…
Vì niềm đam mê của mình, trong suốt 20 năm, bà đã cùng với chồng trở thành huấn luyện viên biệt kích không công của Ấn Độ. Bà không ngại dấn thân vào sa mạc nóng bỏng khô cằn, núi tuyết giá lạnh, hay rừng rậm âm u để huấn luyện cho hơn 20.000 binh lính trong lực lượng vũ tranh tinh nhuệ của Ấn Độ. Quân đội hiếm khi nào cần sự cố vấn của một thường dân, nhất là khi họ là một phụ nữ. Tuy nhiên, bà Rao là ngoại lệ vì bà có những khả năng đặc biệt như bắn một quả táo bay khỏi đầu người bằng khẩu AK-47 ở khoảng cách 68,5m, bắn 5 viên đạn súng lục 9mm vào mục tiêu trong vòng chưa đầy 2 phút… Ngoài ra, Seema không chỉ biết dạy các kỹ năng ngắm bắn thông thường mà phát triển nó lên bằng cách dạy bắn theo phản xạ và kỹ năng chiến đấu bằng tay không trong các trường hợp khẩn cấp.
Không ngại hy sinh vì tình yêu với nghề
Mãi đến năm 2003, khi có đủ điều kiện thành lập Học viện Huấn luyện Chiến đấu ở Mumbai thì Seema mới có nguồn thu nhập ổn định từ niềm đam mê của chính mình. Trường của bà thường nhận đào tạo các kỹ năng tự vệ, bảo vệ an toàn tính mạng cá nhân khi bị kẻ khác tấn công cho các tập đoàn, các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bà vẫn tiếp tục nhận lời mời huấn luyện chiến sĩ ở những nơi trọng yếu của Ấn Độ như ở Kashmir, ở Assam hay ở các trường học như: Trường Huấn luyện Trung đoàn An ninh Công nghiệp Trung ương (CISF), Học viện Không quân và lực lượng cảnh sát ở Bengaluru và Belgaum, ở Karnataka.
Phía sau những thành công, Seema cũng phải trả giá không ít. Bà phải từ bỏ thiên chức làm mẹ chỉ bởi việc làm mẹ có thể làm thay đổi thể chất ảnh hưởng đến công việc của bà. Bên cạnh đó, trong những lần luyện tập, bà đã từng bị gãy xương cổ, từng bị tấn công vào đầu dẫn đến việc mất trí nhớ. Tuy nhiên, may mắn là sau đó, bà đã phục hồi khá tốt.
Niềm tự hào của Seema không chỉ là những chiếc cup, những tấm huy chương, những bức ảnh lúc tập luyện và khi được trao giả, mà còn 8 quyển sách mà bà đã viết để truyền cảm hứng cho những người trẻ. Nhất là động viên những cô gái vượt qua rào cản để sống với niềm đam mê của mình. Sách của Seema hiện có mặt tại các thư viện của lực lượng vũ trang Ấn Độ và Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ.