Người phụ nữ da cam làm mẹ đơn thân

11/09/2015 - 14:12
Mang trong mình nỗi đau da cam với cơ thể thiếu khuyết một bên cánh tay nhưng điều kì diệu là Phương đã sinh con, một bé gái hoàn toàn lành lặn.
Phạm Thị Phương (Yên Lạc,Vĩnh Phúc) ngậm ngùi: “Em không lấy chồng, bé Phương Nhi ra đời nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. May mắn là em đã thành công ngay ở lần đầu làm hỗ trợ sinh sản”.

Để khi lớn lên con không mặc cảm, Phương đã viết đơn xin UBND thị trấn Yên Lạc xác nhận việc bé Nhi ra đời ngoài hôn thú là nguyện vọng, khát khao của gia đình.

Bố của Phương, ông Phạm Văn Côi từng là bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh. Kết thúc chiến tranh, ông Côi về lại quê nhà, lập gia đình. Phương là con gái đầu lòng của cha mẹ. Ngày Phương chào đời, bố mẹ không khỏi bàng hoàng khi con gái bé bỏng bị thiếu một bên cánh tay. Lúc đó, gia đình nghĩ đơn giản là em bị khuyết tật bẩm sinh. Sau đó, Phương có thêm 2 người em nữa, cơ thể bên ngoài đều lành lặn.

Trong một dịp thị trấn Yên Lạc tổ chức khám sức khỏe cho các cựu chiến binh, ông Côi lặng người khi kết quả xét nghiệm cho biết, ông bị nhiễm chất độc da cam. Các con ông cũng chịu chung nỗi đau này. Thương nhất là con trai và con gái út đều không có khả năng sinh con.

Phương bảo, nghề thủ thư cho Phương có cơ hội đọc nhiều sách báo để hiểu hơn về xã hội

“Thời điểm đó, không khí trong gia đình nặng nề, buồn tủi lắm, chúng tôi sống như những cái bóng vô hồn trong suốt nhiều ngày”- Phương nhớ lại.
 
Ông Côi là người đầu tiên bứt ra khỏi bức màn u ám đó. Ông họp gia đình, an ủi vợ con cố gắng vượt qua cú sốc này. Riêng Phương, ông dành nhiều thời gian tâm sự, động viên con gái lớn gắng học hành đến nơi đến chốn vì trong các con, Phương là đứa có tố chất thông minh nhất.

Cô khắc cốt ghi tâm lời dạy tha thiết và kỳ vọng của cha: “Hãy chứng minh mình là người có ích, không ăn bám vào xã hội, phải vươn lên con ạ”.

Các em cũng mong chị Phương học giỏi: “Chúng em nghỉ học, ở nhà làm thêm góp tiền đóng học, chị nhất định phải thi đỗ đại học”.

Mặc cho những ánh nhìn soi mói, sự trêu chọc của đám bạn hiếu kỳ, Phương chuyên tâm đến trường. Được thầy cô yêu mến, chỉ bảo, suốt những năm học phổ thông, Phương đều đạt học sinh giỏi.

Năm 2006, cha Phương bị một tai nạn nghiêm trọng và qua đời, còn mẹ vì quá đau buồn mà sinh ốm bệnh trong nhiều tháng. Cuộc sống gia đình vốn đã nghèo khó nay lại càng gieo neo.

“Những năm học cấp 3, may mắn Phương được thầy giáo Phùng Đình Hải, chủ nhiệm lớp cưu mang như con gái, nhờ thầy ôn học và đóng lệ phí, Phương đã thi đỗ vào trường ĐH Văn hóa. Tốt nghiệp ĐH, Phương xin về làm nhân viên thủ thư tại nhà văn hóa huyện Yên Lạc, được 2 năm thì cô sinh bé Phương Nhi.

Từ khi có cháu ngoại, tinh thần và sức khỏe của mẹ Phương khá lên nhiều. Thường ngày, bà vẫn sang chơi, chăm cháu. Vì em trai đã tìm được một người vợ biết cảm thông về cùng nương tựa nên 2 mẹ con Phương xin ở riêng trong gian nhà mái lá rộng chừng 12m2 ngay cạnh bên. Cô em gái thì xin vào chùa làm công quả, giúp việc cho các sư thầy.

"So với nhiều nạn nhân khác, tôi còn may mắn hơn vì có cơ hội học tập và được trải nghiệm hạnh phúc làm mẹ. Điều đó đã cho tôi nghị lực và ý chí vững vàng để vượt qua mọi sóng gió cuộc đời" - Phương tâm sự.

Cuộc sống của gia đình Phương thực sự yên bình hơn. Phương bảo, những lúc ốm bệnh phải nằm viện điều trị do di chứng chất độc da cam hành hạ, được nghe con gái hỏi han, nựng nịu, cô thấy ấm lòng và hạnh phúc vô cùng.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm