Pasang Lhamu Sherpa sinh năm 1961 trong một gia đình người Sherpa (một cộng đồng ở đông bắc Nepal, nổi tiếng với kỹ năng leo núi) có 6 người con tại Surke, một thị trấn nhỏ ở trung tâm Nepal. Sinh ra là con gái nhưng từ nhỏ, Pasang Lhamu đã luôn muốn theo trong truyền thống leo núi và làm hướng dẫn viên như nam giới địa phương. Là một xã hội bảo thủ nên ngay từ đầu, ý định này của cô đã bị phản đối kịch liệt.
Đến tuổi lấy chồng, gia đình đã sắp xếp một cuộc hôn nhân cho cô nhưng Pasang Lhamu tiếp tục chống lại lời gia đình, kết hôn với một người Sherpa khác, có 3 người con và tiếp tục theo đuổi đam mê leo núi.
Ngày 22/4/1993, sau nhiều lần thất bại, Pasang Lhamu Sherpa đã hoàn thành ước mơ từ tấm bé, trở thành người phụ nữ Nepal đầu tiên và là người phụ nữ thứ 17 trên thế giới đặt chân lên đỉnh Everest. Tuy nhiên, khi còn chưa được hưởng trọn vẹn niềm vui, niềm tự hào, cô đã bỏ mạng nơi vực sâu chỉ 1 ngày sau khi vừa chinh phục thành công nóc nhà thế giới.
Với kỳ tích của mình, tên của cô đã được đặt cho một ngọn núi cao 7.351m ở vùng Khumbu. Chính phủ Nepal đã phát hành một loạt tem in chân dung cô và tiểu sử của cô được đưa vào giảng dạy tại các trường học ở Nepal, trở thành nguồn cảm hứng cho hàng ngàn phụ nữ trẻ trên khắp Nepal, cũng như trên toàn thế giới.
Mới đây, câu chuyện cảm động về cuộc đời cô đã được tái hiện trong bộ phim tài liệu “The Glass Pailing” do Svendsen và Alison Levine, một nhà leo núi nữ người Mỹ đã dẫn đầu cuộc thám hiểm Everest đầu tiên của phụ nữ Mỹ vào năm 2002, thực hiện.
Câu chuyện cuộc đời Pasang Lhamu Sherpa được kể lại qua lời của anh Dorjee Sherpa, anh trai cô. Anh nói: “Leo núi là điều quan trọng nhất với em tôi. Lúc đó không có phụ nữ trong ngành này, thậm chí là trong bộ môn đi bộ cũng không”.
Anh Dorjee Sherpa cho biết lần cuối anh nhìn thấy em gái mình là vào năm 1992, 1 năm trước lần thứ 4 Pasang Lhamu nỗ lực chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.
Anh Dorjee kể: “Pasang Lhamu nói rằng điều quan trọng là chia sẻ được kinh nghiệm của chúng tôi với thế hệ trẻ của Sherpas. Trước Pasang Lhamu chưa từng có phụ nữ tham gia leo núi và Pasang Lhamu muốn: “Nếu em có thể leo lên Everest, nếu em có thể hoàn thành ước mơ của mình thì những cô gái trẻ cũng có thể làm được”. Đó là cuộc đối thoại nghiêm túc cuối cùng giữa chúng tôi. Pasang Lhamu đã có ảnh hưởng to lớn đến nữ giới. Kể từ khi Pasang Lhamu leo lên Everest, đã có nhiều người khác hoàn thành thử thách này và chính Pasang Lhamu là người giúp những phụ nữ đó làm được việc này”.
Trong phim tài liệu, giám đốc sản xuất Levine cũng chia sẻ cô rất ngạc nhiên về câu chuyện của Pasang Lhamu Sherpa: “Một người phụ nữ đã can đảm thay đổi cả một quốc gia. Đó là một thông điệp tuyệt vời!”.
Nepal là một quốc gia 29 triệu dân, không có biển, nằm ẩn mình trong dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Nepal mới chỉ bắt đầu mở cửa cho du khách nước ngoài vào những năm 1950. GDP dưới 2.000 USD/người. Du lịch chỉ chiếm 3% GDP cả nước nhưng nó là nguồn thu ngoại tệ lớn thứ 2 sau kiều hối. Khách du lịch tìm đến đây chủ yếu để leo núi, vì vậy những người nông dân gắn liền với khả năng làm việc trên cao và leo núi, đóng vai trò trung tâm trong ngành công nghiệp du lịch nơi đây. |