pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người quyết tâm thay đổi hủ tục ở vùng cao
Là người dân tộc Tày chính gốc sinh ra ở Lào Cai, bác sỹ Chiêm đã công tác ở Trạm y tế xã Thải Giàng Phố được 24 năm. 24 năm ấy là cả một quá trình dài chị đã hết lòng vì cộng đồng, nhằm xóa bỏ những hủ tục làm hại đến sức khỏe của người dân nơi đây.
Có lẽ, ít có cô gái người Tày nào thời điểm đó lại có quyết tâm học đến hết trung cấp như chị. Cũng vì sự "hiếm hoi" này, nên chị lại càng trân trọng hơn những tháng năm ngồi trên giảng đường để bồi bổ những kiến thức về y khoa, tận dụng nó để giúp đỡ những người dân Thải Giàng Phố khi bản thân họ đang phải chịu thiệt thòi cả về điều kiện kinh tế lẫn điều kiện được chăm sóc sức khỏe.
"Năm 1994, tôi được huyện hỗ trợ nên tôi tiếp tục đi học để về phục vụ cho địa phương, đã trải qua nhiều khóa học từ sơ cấp năm 1994, năm 1995 đi làm và bắt đầu được hưởng trợ cấp với mức lương 168.000 đồng/tháng. Khi đó, trạm còn nhỏ, có 2 người công tác tại đây với trình độ trung cấp và sơ cấp", chị Chiêm kể về con đường học hành gian nan để có được tấm bằng y sỹ, dù bao khó khăn vất vả chất chồng.
Vận động bà con tiếp cận y tế tiến bộ hơn
Vào năm 1994, xã có 15 thôn, sau sáp nhập thành 8 thôn, thôn xa nhất cách trung tâm xã 32km, phải đi bộ vào thôn bằng đường mòn. Bây giờ xã triển khai chương trình của nông thôn mới thì mới có đường đi thuận tiện hơn. Chị Chiêm đã cùng các đồng nghiệp "chiến đấu" trên những con đường mòn ấy năm này qua năm khác. Đi tiêm chủng cũng phải đến tận thôn vì không ai chịu đến xã để tiêm, đường đi rất vắng, cây cối um tùm rừng rậm, rất nguy hiểm và đáng sợ nhưng chị vẫn phải vững bước vượt qua.
Nhưng bao nhiêu vất vả đó vẫn chưa là gì so với cuộc vận động người dân loại bỏ hủ tục, tin vào bác sỹ. "Chúng tôi đã phải kết hợp với trưởng thôn, vào tận thôn vận động để dân ra ngoài trạm y tế khám. Đi vào thôn mới thấy họ rất khó khăn, ngay cả tiếng Kinh họ còn chưa hiểu thì làm thế nào mới khiến cho họ hiểu về hủ tục hay y tế? đó là rào cản lớn mà đội ngũ y bác sỹ, hộ lý của trạm phải vượt qua", chị Chiêm cho biết.
Cũng như nhiều y bác sỹ khác, chị Chiêm cũng phải trải qua những ca đỡ đẻ tại nhà. Mức độ nguy hiểm của việc sinh con tại nhà thế nào thì chỉ có người làm y tế mới nhận thức được hết, còn người dân thì không.
"Tôi nhớ nhất là ca đỡ đẻ tại nhà, dù đã 22 năm trôi qua nhưng vẫn không thể nào quên. Nhà sản phụ cách trạm 18km, sản phụ mới 19 tuổi, tôi đã đi bộ mất 4 tiếng để đến nhà sản phụ. Khi đến nơi tử cung của sản phụ đã mở hết, thai nhi bị rau cuốn cổ 3 vòng nên đứa trẻ bị ngạt. Tôi đã phải làm hết mình, học được gì ở nhà trường thì đều sử dụng hết. Mất gần một tiếng để cứu đứa trẻ, không có máy để hỗ trợ hút nhớt nên phải dùng miệng mình hút từ miệng trẻ. Sau đó, đứa trẻ phải cho nằm để theo dõi, đến hôm sau tôi thấy đã ổn mới về trạm. Bây giờ đứa trẻ đó đã trưởng thành và mới lập gia đình cách đây 2 năm. Làm việc ở đây, hầu như ai cũng trải qua những ca hú hồn như thế!", chị Chiêm chia sẻ.
Chị Chiêm cũng cho biết, hơn chục năm trở về trước, người dân ở đây đau bụng là lấy lá cây về, nặn thành viên, xong châm đốt ở bụng cho phồng hết cả da lên. Khi chị vào tận bản tuyên truyền, khuyên người dân không được làm như thế vì đốt như vậy bỏng da và bị nhiễm trùng, có người nghe, có người không. Bên cạnh đó, theo hủ tục nên nhà ở xung quanh vẫn ở cùng súc vật, ăn uống vệ sinh tại chỗ nên bệnh tật cũng nhiều hơn. Từ đó phát sinh nhiều bệnh tật, phổ biến như bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, tiêu chảy… Giờ người dân đã hiểu biết hơn, để truồng súc vật riêng, bệnh tật đã đỡ đi.
"Mới đầu tuyên truyền để người dân bỏ những hủ tục thì rất khó khăn vì họ sống theo hủ tục bao đời nay. Đến hiện tại, người dân đã hiểu rằng đẻ tại nhà là nguy hiểm cho cả mẹ cả con. Lớp trẻ bây giờ hầu hết đều biết ra cơ sở y tế để đẻ. Trước có ca đẻ ở nương và bị băng huyết không cứu được mẹ nên chúng tôi lấy trường hợp đó làm ví dụ để tuyên truyền cho dân biết những nguy hiểm trong một ca đẻ. Những người già hay mắc cao huyết áp, tai biến cũng đã ra trạm để kiểm tra huyết áp, lấy thuốc miễn phí mang về chứ không dùng lá cây như trước nữa", chị Chiêm vui mừng cho biết.
Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, chị Chiêm cũng từng trải qua những năm tháng khổ cực. Khi xem tivi thấy đồng nghiệp được tặng hoa, tặng quà vào ngày thầy thuốc chị thấy tủi vô cùng, vì cùng trách nhiệm như nhau nhưng ở vùng cao này, nhiều khi thầy thuốc phải bỏ tiền ra mua thuốc cho dân vì dân không có tiền. Nhưng rồi hiểu được cái thiệt thòi, cái khổ của người dân, chị lại càng có động lực để gắn bó tiếp tục công tác, xây dựng y tế nơi đây là để chăm sóc cho tất cả nhân dân ở xã này có sức khỏe tốt, giúp đỡ người dân những căn bệnh hiểm nghèo, tư vấn chuyển lên tuyến trên.
"Cho đến bây giờ, tôi vẫn mừng nhất là phục vụ trong ngành y tế. Mình sống với dân ở đây hơn 20 năm nên dân biết và được mọi người yêu thương, trân trọng. Họ trồng được quả dưa, cái ngô cũng mang đến biếu, họ tặng mình những món quà từ những đồ họ sản xuất ra được, đó là tấm lòng của họ, rất cảm động. Bây giờ đã vận động được người dân bỏ hủ tục rồi, thì mình hàng ngày suy nghĩ cũng như hướng dẫn bà con bản địa trồng cây thuốc, những cây quý có sẵn trong vùng… để chăm sóc sức khỏe", chị Chiêm xúc động nói.