pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 3 tại Nhật Bản
Thực tập sinh Việt Nam tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mishow (Tokyo) đeo khẩu trang trong khi làm việc. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
Báo cáo ngày 27/3 của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản cho biết số người Việt Nam đang cư trú tại nước này là 411.968 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Báo cáo cho hay tính đến cuối tháng 12/2019, tổng số người nước ngoài tại Nhật Bản là 2,93 triệu người, tăng 202.000 người so với cùng kỳ năm 2018, tương đương mức tăng khoảng 7,4%.
Trong số này, người Trung Quốc là cộng đồng lớn nhất tại Nhật Bản với 813.675 người, đứng thứ hai là người Hàn Quốc với 446.364 người.
Đặc biệt, số người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới 411.968 người, tăng 24,5% so với năm 2018 và trở thành cộng đồng người nước đông thứ ba tại Nhật Bản. Đây cũng là mức tăng nhiều nhất trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản.
Cũng theo báo cáo này, số người nước ngoài ở Nhật Bản với tư cách thực tập sinh kỹ năng là 410.972 người, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2018 và lần đầu tiên vượt xa số người có tư cách du học. Trong khi đó, số người được phép cư trú lâu dài vẫn chiếm số lượng đông nhất với 793.164 người.
Kể từ tháng Tư vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng luật quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi với việc đưa vào 14 tư cách lưu trú mới có kỹ năng đặc thù trong các lĩnh vực mà nước này đang thiếu lao động trầm trọng như hộ lý, xây dựng..., theo đó những lao động nước ngoài nếu đầy đủ các điều kiện như đỗ kỳ thi kiểm tra chuyên môn, tiếng Nhật... sẽ có thể lao động tại Nhật Bản với thời gian lên tới năm năm so với trước đây là ba năm.
Theo kế hoạch được Chính phủ Nhật Bản đề ra, trong vòng năm năm tới, nước này sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài. Tới nay, số người được chấp thuận với tư cách mới này là 1.621 người.
Chính sách mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài là một trong các biện pháp quan trọng mà Nhật Bản hy vọng có thể giải quyết được tình trạng già hóa dân số, thiếu lao động, giúp nước này duy trì tăng trưởng kinh tế.
(TTXVN/Vietnam+)