pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người Việt trẻ bàn về sống xanh, lan tỏa thông điệp “nói không với nhựa dùng 1 lần”
Chuỗi thử thách được thực hiện dưới hình thức khuyến khích "bày tỏ", "tâm tình", "thổ lộ" để các bạn trẻ có thể tự do nêu lên quan điểm về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường sống.
Sau hơn 1 tuần phát động từ ngày 14/4/2020, "Thử thách No, Thanks!" do CHANCE (Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển Việt Nam) phát động đã thu hút sự tham gia của gần 100 bạn trẻ trên khắp cả nước và hàng trăm bình luận tích cực về ý nghĩa mà chương trình mang lại. Đây không chỉ là một sân chơi mà còn là nơi để các cá nhân, tổ chức đang có sự quan tâm hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường có cơ hội hiểu hơn về góc nhìn của cộng đồng trẻ, lắng nghe tiếng nói của họ về vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là quá trình thay đổi bản thân từ tư duy đến hành động thực tiễn, thay đổi thói quen hàng ngày.
Người mẫu, diễn viên Quang Đại - nghệ sỹ ủng hộ chiến dịch "No, Thanks" khi tham gia thử thách đã chia sẻ: "Quán cà phê nhỏ của mình cũng từng bước thay đổi tích cực hơn, tụi mình đã ngưng dùng ống hút nhựa và túi nilon take away, thật vui là ngày càng có nhiều bạn chủ động hơn mang túi, bình nước ghé đến quán khi mua cà phê".
Từ chối sử dụng các sản phẩm từ nhựa một lần không phải là một quyết định dễ dàng, đặc biệt trong thời kỳ "cuồng nhựa", khi con người dễ dàng bị cuốn theo sự tiện lợi, nhanh gọn mà các loại nhựa một lần mang lại. "Đôi khi chúng ta muốn mang theo túi, bình nhưng ngại ngùng khi bước vào quán cà phê và căn dặn bạn nhân viên phải để riêng vào bình, dặn cô bán hàng bận rộn dành chút thời gian để bỏ cơm vào hộp riêng thay vì chiếc túi nhựa quen tay bỏ vào chưa đến 3 giây. Nhưng khi một, hai và nhiều người hơn cùng thực hiện và xem đó như một thói quen hằng ngày, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn hẳn. Thay đổi không phải một hành trình dễ dàng, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể từng bước tác động đến người thân, bạn bè, xã hội", Quang Đại cho biết.
Những câu chuyện được các bạn chia sẻ đã mở ra nhiều góc nhìn mới lạ và thú vị về việc bảo vệ môi trường, về những điều các bạn trẻ đã, đang và sẽ thực hiện để hướng tới lối sống xanh, bền vững. Các bạn đã có thói quen mang theo bộ dụng cụ gồm hộp, bình nước cá nhân, ống hút tre, túi vải trong các hoạt động của mình cùng với những mẹo sống xanh khi đi du lịch. Các bạn cũng đã có sự nhận thức về việc bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày, như lựa chọn sử dụng các sản phẩm xà phòng, giặt tẩy, mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, giảm lượng rác thải từ bao bì, hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước do các chất hóa học có trong các sản phẩm giặt tẩy.
Không chỉ vậy, "sống tối giản" đã và đang trở thành xu hướng được đông đảo cộng đồng trẻ yêu thích, thể hiện qua việc hạn chế mua sắm các vật dụng không cần thiết, tinh gọn vật dụng trong không gian sống và làm việc, tạo thêm mảng xanh cho nơi ở bằng cách trồng các loại cây trong nhà.
Trong vòng 50 năm qua, ngành công nghiệp sản xuất nhựa trên thế giới đang tăng trưởng chóng mặt để đáp ứng cho nhu cầu nhanh, gọn và tiện lợi của người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), năm 1974 ghi nhận mỗi người sử dụng chỉ 2 kg nhựa trong một năm, đến nay con số này đã tăng lên đến 43 kg và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Theo National Geographic, đại dương được ghi nhận như bãi rác khổng lồ của nhân loại khi có đến 73% lượng rác trên dọc các bờ biển là rác thải nhựa.
- Hơn 5 nghìn tỉ mảnh rác nhựa đang trôi nổi khắp nơi trên biển, ảnh hưởng đến sự sống của 700 loài sinh vật biển khi chúng vô tình ăn phải, hay mắc kẹt giữa các mảnh rác nhựa.
- Các số liệu thống kê chỉ ra, việc giảm sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong sản xuất và trong sinh hoạt để bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển là thực sự cấp thiết.
Bên cạnh những chính sách cần thiết để quản lý các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, mỗi cá nhân đều nên "vun trồng" ý thức, thay đổi thói quen, đặt nhẹ sự tiện lợi cá nhân để hướng đến hành vi giảm tiêu dùng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần như túi nilon, ly nhựa, ống hút… và các loại hộp xốp đựng thực phẩm. Thay vào đó sử dụng các sản phẩm từ những chất liệu bền vững hơn, có thể sử dụng nhiều lần, đảm bảo sức khỏe bản thân và thân thiện hơn với môi trường.