Người vợ cùng chồng khai khẩn vùng đất Hà Tiên

15/05/2017 - 17:03
Đó là bà Bùi Thị Lẫm, vợ của Mạc Cửu - người có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên ở nước ta vào thế kỷ 18.

Bà Bùi Thị Lẫm quê ở xã Đồng Môn, trấn Biên Hòa. Thuở nhỏ, bà theo gia đình lưu lạc nhiều nơi, sau đó sang lập nghiệp ở Trủng Kè (Lũng Kỳ, cảng Ream - Campuchia, gần Kompongsom).

Mạc Cửu (1655 - 1735) nguyên là người tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sau khi nhà Minh mất, do không chấp nhận chính quyền nhà Thanh, năm 1680 ông đưa thân quyến xuống thuyền xuôi về phương Nam, tìm nơi khai cơ lập nghiệp. Lúc đầu ông trú tại phủ Nam Vang nước Cao Miên, sau một thời gian buôn bán ông trở nên giàu có. Từ đó ông đứng ra chiêu mộ người Việt, người Hoa lưu tán ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kỳ - Cần Bột (Cần Vọt - Kampôt), Hương Úc (Vũng Thơm - Kompongsom), Giá Khê (Rạch Giá), Cà Mau, mở phố xá, xây thành lũy, khai khẩn đất hoang, lập nên 7 xã thôn trải dài ven biển suốt từ Kompongsom (Chân Lạp) về tận Cà Mau. Mạc Cửu trở thành người cai quản vùng đất này.

tng-khai-trn-quc-cng-mc-cu-cao-10-m-ti-cng-vin-mi-tu-th-x-h-tin.jpg
 Tượng Khai trấn quốc công Mạc Cửu cao 10 m tại công viên Mũi Tàu, thị xã Hà Tiên.

Thấy nơi đây ngày một phát đạt, dễ làm ăn, dân chúng quy tụ đến ngày một đông, ghe thuyền các nơi, kể cả các nơi đến buôn bán tấp nập. Nhưng sự thịnh vượng đã khiến nơi đây thành miếng mồi ngon đối với lân bang.

Khoảng năm 1687 - 1688, quân Xiêm vào cướp phá, bắt Mạc Cửu đưa về Xiêm nhưng ông tìm cách trốn về lại Lũng Kỳ. Tương truyền, thời gian này ông trú tại nhà bà Bùi Thị Lẫm nên quen biết bà rồi xin cưới làm vợ thứ. Từ đấy, bà đem hết tâm huyết sức lực ra giúp chồng trong công cuộc khai khẩn mở mang vùng đất biên giới Tây Nam.

Thấy vùng đất này ngày một trù phú, quân Xiêm thường xuyên kéo sang cướp bóc. Bà cùng gia đình trải qua rất nhiều gian truân vất vả, phải nhiều phen đi lánh nạn rồi lại quay về làm lụng gây dựng lại.

Sự nhòm ngó của người Xiêm đối với đất đai của mình đã khiến Mạc Cửu lo ngại. Bấy giờ ở Đàng Trong các chúa Nguyễn đã lập xong phủ Gia Định. Nhận thấy muốn tồn tại cần phải dựa vào một thế lực đủ mạnh để bảo vệ, che chở cho lãnh địa của mình nên năm 1708, Mạc Cửu sau người đem lễ vật ra Phú Xuân xin đầu phục chúa Nguyễn và dâng vùng đất này cho chính quyền Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận, cho đặt vùng đất này thành trấn Hà Tiên và phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu Ngọc hầu.

khu-di-tch-lng-mc-cu-th-dng-h-mc-m-khi-u-l-mc-cu-nm-trn-ng-mc-cu-di-chn-ni-bnh-san-thuc-phng-bnh-san-th-x-h-tin-tnh-kin-giang.jpg
 Khu Di tích lăng Mạc Cửu thờ dòng họ Mạc nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1718, quân Xiêm vào cướp phá Hà Tiên. Tổng binh Mạc Cửu không địch nổi phải tạm xuống Lũng Kỳ. Bà Bùi Thị Lẫm lúc này đang mang thai, sau đó sinh ra Mạc Tông (Mạc Thiên Tích).

Mạc Thiên Tích (1718 – 1780) là con trai trưởng của Mạc Cửu và bà Bùi Thị Lẫm, sau nổi danh là bậc tuấn kiệt, được thế nghiệp cha làm Tổng binh trấn Hà Tiên và là chủ soái văn đàn Chiêu Anh Các nổi tiếng. Trong thời kỳ Mạc Thiên Tích cai quản, Hà Tiên là nơi phát triển khá toàn diện về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng đất Đàng Trong.

n-th-h-mc-cng-c-xy-dng-trong-khun-vin-khu-di-tch.JPG
 Đền thờ họ Mạc được xây dựng trong khuôn viên khu di tích.

Trong công cuộc giữ nước và mở nước của nhà Nguyễn, họ Mạc ở Hà Tiên đã có công lao rất lớn, trong đó có một phần công sức và trí tuệ của bà Bùi Thị Lẫm. Với những công lao đó, bà được chúa Nguyễn trân trọng ban cho được phép  mang họ Nguyễn. Mộ bà hiện nằm tại khu lăng mộ dòng họ Mạc ở núi Bình San, thị xã Hà Tiên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm