pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguồn nhân lực nữ chất lượng cao: Còn định kiến giới, nhiều thiệt thòi
Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương - Chi hội Đối ngoại, Hội Nữ trí thức Việt Nam - phát biểu tại Hội thảo
Cần phân định rõ khái niệm nhân lực và nguồn nhân lực
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, khi đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực đã thẳng thắn chỉ ra: dự thảo báo cáo dường như chưa có sự phân định rạch ròi 2 khái niệm này. Trong khi đó đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác biệt. Cần phân biệt nhân lực và nguồn nhân lực để có kế hoạch, chiến lược đầu tư phát triển phù hợp.
Theo phân tích của bà Lê, nguồn nhân lực hàm ý đến nhân lực chưa sử dụng, là kết quả của sự đầu tư hôm nay và để khai thác trong tương lai, còn nhân lực là lực lượng lao động đang được sử dụng.
Do vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, cần tập trung phát triển nhân lực, tập trung các khâu từ bố trí, sử dụng, đãi ngộ, đánh giá. Còn nguồn nhân lực thì liên quan trực tiếp đến vấn đề giáo dục, đào tạo, rèn luyện văn, trí, thể, mỹ và nhiều câu chuyện lâu dài. Nếu tính chiến lược 10-15 năm thì tính chiến lược phát triển nguồn nhân lực, còn 5 năm thì chú ý đến vấn đề phát triển nhân lực.
Một vấn đề khác cũng được PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê quan tâm liên quan đến xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao chính là xây dựng tầm vóc người Việt. Vấn đề này cần được nhìn nhận và xây dựng như một chiến lược trọng yếu của quốc gia, bao gồm cả phát triển thể lực, trí lực.
Theo bà Lê, vấn đề này nên đưa vào mục riêng về phát triển con người trong báo cáo. Báo cáo chính trị của nhiều kỳ đại hội đã qua đều đưa ra vấn đề phải nâng cao thể chất người Việt Nam, tuy nhiên, thực tế là thể chất chung của người Việt Nam chưa có sự thay đổi hay cải thiện đáng kể và cũng chưa có chiến lược nào cho vấn đề này.
"Tại sao Việt Nam vẫn chưa có có chế độ dinh dưỡng học đường và Chính phủ kiểm soát đến tận nhà trường? Hiện nhà trường vẫn tự ký với đơn vị cung cấp thức ăn, tạo ra nhiều bất cập. Theo tôi, Chính phủ phải kiểm soát mạnh tay để trẻ emđược cải thiện sức khỏe, đạt mục tiêu sau 30 năm thì người Việt Nam phải cao lên được bao nhiêu cm, khi đó chính sách mới đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, đến từng gia đình", bà Hoài Lê cho biết.
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật
Là nữ trí thức thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng - Viện Nghiên cứu Giáo dục và phát triển nhân lực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam - nêu thực trạng, nữ giới học STEM nhiều nhưng khi ra lao động thì tỷ lệ thấp đi. "Chúng ta đang mất dần đi một tỷ lệ nữ có học thức cao nhưng không tham gia lao động trong ngành", bà Hồng nhìn nhận.
Theo bà Hồng, quan điểm phân biệt giới vẫn tồn tại trong một số bộ phận xã hội, kìm hãm sự phát triển của nữ trí thức. Bên cạnh đó, vai trò giới trong gia đình đặt lên vai người phụ nữ những gánh nặng, khiến họ ít thời gian dành cho công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, đội ngũ nữ khoa học là nhóm tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, cần tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt sứ mệnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Từ đó, bà Hồng cho rằng báo cáo dự thảo về nguồn nhân lực cần thể hiện giải pháp để nâng cao vai trò của phụ nữ trong những ngành thuộc lĩnh vực STEM, trong đó có 3 nhóm giải pháp chủ đạo: Chuẩn bị các kỹ năng nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cho nữ giới khi còn trẻ; thấu hiểu ghi nhận vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực này, xóa bỏ định kiến giới; tạo ra môi trường làm việc phù hợp, xây dựng cộng đồng các nhà nữ khoa học.
Vẫn còn định kiến giới với phụ nữ trí thức
Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương - Chi hội Đối ngoại, Hội Nữ trí thức Việt Nam - cho rằng dự thảo báo cáo cần đề cập đến nguồn nhân lực Khoa học - Công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước, trong đó có phụ nữ trí thức - 1 trong 3 nguồn nhân lực Khoa học - Công nghệ mới cùng với thanh niên trí thức và doanh nghiệp trí thức.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập thế giới, nữ trí thức Việt Nam so với phụ nữ các nước ASEAN, rộng hơn là khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là gặp thách thức lớn về định kiến giới.
Theo bà Dương, quan niệm và phân biệt giới vẫn còn ảnh hưởng ở một bộ phận các tầng lớp xã hội, việc "trọng nam, khỉnh nữ" không chí có ở các vùng nông thôn mà cả ở đô thị, không chỉ trong dân thường mà cả trong cán bộ, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có trình độ học vấn, địa vị cao.
Chính tư tưởng coi thường phụ nữ trong xã hội đã khiến cho nhiều người xem nhẹ năng lực của người phụ nữ, đặc biệt trong nghiên cứu Khoa học - Công nghệ . "Điều này không chỉ hạn chế các em gái tiếp cận giáo dục bậc cao, mà còn ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn, đào tạo, sử dụng nữ trí thức, kìm hãm sư thăng tiến, phát triển của không ít nữ trí thức", bà Dương nhìn nhận.
Từ thực tế này, TS Luận Thùy Dương kiến nghị dự thảo báo cáo cần quan tâm hơn đến đội ngũ nữ trí thức Việt Nam, tinh thần báo cáo cần thể hiện sự quan tâm chăm sóc và thúc đẩy phát triển.
Theo đó, cần có chính sách cụ thể, với sự nhạy cảm giới, có quan điểm giới rõ ràng, với sự định hướng "Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, không bị coi là phân biệt đối xử về giới". Cùng với đó là lắng nghe ý kiến của nữ trí thức, thực hiện và sử dụng những ý kiến khoa học của họ một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, các văn bản luật pháp đối với đào tạo nữ trí thức. Trong kế hoạch đào tạo đội ngũ nữ trí thức nói chung, đặc biệt nữ trí thức trẻ, cần tạo điều kiện cho những chị em có năng lực chuyên môn giỏi đạt được học vị sau đại học trước khi họ có gia đình hoặc chưa có con nhỏ.
"Đồng thời, cần quan niệm việc thực hiện chức năng sinh con và nuôi dạy con không phải là việc riêng của gia đình, mà đó phải là một công việc xã hội", bà Dương cho hay.
Một số kiến nghị khác được TS Luận Thùy Dương đề xuất bao gồm: có chế độ chính sách quy hoạch nâng lương, nâng bậc, bổ nhiệm hợp lý, quan tâm và ưu đãi nữ trí thức dân tộc thiểu số; tuyên truyền, giáo dục về bình đắng giới, tiếp tục chính sửa những quy định về tuổi nghỉ hưu chưa họp lý hiện nay đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế…; huy động nguồn lực để hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nữ, đào tạo nữ trí thức trẻ có tri thức, có năng lực, có kiến thức về hội nhập quốc tế.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hà Thị Nga đánh giá cao sự ủng hộ, tinh thần trách nhiệm của các đại biểu - là những chuyên gia, các nữ trí thức - đối với đất nước nói chung, với Hội LHPN Việt Nam nói riêng thông qua việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
"Với một thời gian không dài, chỉ trong một buổi sáng nhưng các đại biểu đã rất tập trung để trao đổi, thảo luận, gợi mở, hiến kế những vấn đề liên quan lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao trong các văn kiện Đại hội", Chủ tịch Hà Thị Nga nhìn nhận.
Theo Chủ tịch Hội LHPNVN, những ý kiến đóng góp mang tính định hướng, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến nghị những thách thức, cơ hội và việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nói chung, nữ trí thức nói riêng trong các lĩnh vực này...
Đây là những ý kiến có chất lượng, phân tích sâu các vấn đề từ nhiều góc độ, kiến nghị những vấn đề cần đề cập trong văn kiện đại hội Đảng, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, đội ngũ nữ trí thức nhằm đóng góp vào các văn bản quan trọng có tính định hướng cho Chiến lược phát triển của đất nước. Hội LHPNVN sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu để tổng hợp, góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.