Nguồn vốn hỗ trợ giúp phụ nữ khó khăn phục hồi sinh kế

Sơn Vinh
21/07/2024 - 16:10
Nguồn vốn hỗ trợ giúp phụ nữ khó khăn phục hồi sinh kế

Nhờ vốn hỗ trợ, chị Mã Kiều Dung có tiền mua nhang thô về gia công rồi bán

5,5 triệu đồng tiền hỗ trợ từ dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở TPHCM” đã mở ra cánh cửa mới cho chị Mã Kiều Dung.

Một ngày giữa tháng 6, chiếc xe giao 60 bó, loại 1.000 cây mỗi bó nhang thô từ huyện Bình Chánh qua, dừng ngay trước nhà, vợ chồng chị Mã Kiều Dung (43 tuổi, ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) hồ hởi chạy ra nhận, trả ngay 1,8 triệu đồng. Chị Dung cho biết, nhận nhang thô phải trả tiền liền chứ không được thiếu, vì người se nhang cũng khó. Đây là xe nhang thứ 3 chị nhận và trả được tiền ngay cho nhà cung cấp sau khi được lãnh vốn từ dự án "Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM".

Những bó nhang thô vừa nhận sẽ được vợ chồng chị tẩm dầu thơm, phơi khô, chia thành từng bó nhỏ đóng gói rồi bán lại cho đầu mối là tiểu thương các chợ quanh TPHCM và huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Mỗi ngày hai vợ chồng làm hết công suất, cộng thêm 3 cậu con trai phụ thì được gần 20.000 cây. Giá bán nhang thành phẩm dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/1.000 cây. Cuộc sống của gia đình nhờ vậy cũng "dễ thở" hơn so với trước.

Nguồn vốn hỗ trợ giúp phụ nữ khó khăn phục hồi sinh kế- Ảnh 1.

Quê ở tỉnh Bạc Liêu, chị Dung lên TPHCM vào năm 1997, kiếm sống bằng công việc bó nhang thuê tại quận 6. Ở đó, chị gặp chồng - anh Huỳnh Văn Mẫn (53 tuổi). Sau nhiều năm ở trọ, đến năm 2008, anh chị mua được căn nhà nhỏ tại quận Bình Tân. Đến nay, họ đã có 27 năm cùng nhau gắn bó với những cây nhang.

Đồng vốn cứu cánh lúc ngặt nghèo

Chị Mã Kiều Dung kể: Vợ chồng chị có 3 cậu con trai. Cậu lớn Kim Tài đang là sinh viên năm cuối, con trai thứ 2 Kim Tân vừa tốt nghiệp THPT, còn cậu út Dĩ Liêm sẽ lên lớp 11 vào năm học 2024- 2025. Dù Kim Tài có làm thêm, nhưng cũng chỉ đủ trang trải chi phí đi lại và mua giáo trình, còn học phí chị Dung lo. Dù vất vả, vợ chồng chị vẫn quyết tâm ưu tiên cho các con học hành tới nơi tới chốn, chí ít mỗi đứa sẽ có cái nghề ổn định để kiếm sống. 

Cùng với việc chăm lo cho các con, vợ chồng chị còn chăm sóc mẹ già bị tiểu đường, viêm khớp và huyết áp cao đã hơn 10 năm nay. Bệnh tật khiến bà không thể đứng quá 15 phút. Việc ngồi xuống đứng lên với bà cũng vô cùng khó khăn, luôn cần con cháu dìu.

Nguồn vốn hỗ trợ giúp phụ nữ khó khăn phục hồi sinh kế- Ảnh 2.

Bên cạnh lo bươn chải làm ăn, chị Dung còn hết lòng chăm sóc mẹ già bệnh nặng.

"Trước khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi đợt bán nhang thành phẩm, tôi cố gắng dành dụm để lấy hàng đợt sau, lỡ thiếu thì mượn anh chị em ruột đang sống tại tỉnh Bình Dương. Hồi dịch COVID-19, tôi không buôn bán gì được. Căn nhà nhỏ bí bách, nóng ngộp, lại thêm không còn gạo, không còn tiền, cảm giác mọi thứ đều chông chênh, mờ mịt, thành ra tinh thần tôi lúc nào cũng căng thẳng, lo nghĩ không thể ngủ được. 

Tôi thấy mình còn khoẻ, có sức lao động mà xin này kia thì mắc cỡ lắm, nhưng hồi đó cùng đường rồi, phải đánh bạo nhắn tin riêng cho chị Hạnh kể chuyện mình. Vậy là chị Hạnh chở gạo, cá, mớ gia vị và rau củ quả xuống cho".

"Chị Hạnh" trong lời chị Dung là chị Nguyễn Thị Hạnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 24, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Không chỉ sâu sát, thường xuyên hỗ trợ thực phẩm, chị Hạnh còn giới thiệu hoàn cảnh chị Dung cho UN Women và Hội LHPN TPHCM xem xét trao vốn phục hồi sinh kế. Với 5,5 triệu đồng hỗ trợ từ dự án "Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM" cùng những bài học về làm ăn học được từ dự án, sau 3 đợt nhận nhang thô, chị Dung có bước thay đổi rõ rệt.

Nguồn vốn hỗ trợ giúp phụ nữ khó khăn phục hồi sinh kế- Ảnh 3.

Những bó nhang thành phẩm vừa được chị Dung hoàn thành sau những ngày chông chênh vì cụt vốn

"Tôi nghĩ cần phải coi coi mình còn làm được gì nữa, không thể cứ ăn nay lo mai và chờ đợi sự giúp đỡ hoài. Bán hết 2 đợt hàng trước, tôi có tiền lời nên bắt đầu hấp há cảo bán thêm. Hiện, tôi rao bán qua các nhóm chat zalo với bạn hàng, anh chị em quen biết. Chồng tôi vừa giao nhang, giao bánh, vừa tranh thủ chạy xe ôm, có ngày được 2, 3 cuốc, thu nhập chừng một trăm ngàn, cũng đỡ lắm", chị Dung chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm