Nguy hiểm khi chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà sai cách

28/04/2018 - 08:33
Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm cách và cách ly thì có thể chăm sóc và điều trị cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, nếu chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà không đúng cách thì dễ nguy hiểm cho bé.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, hiện khoa Truyền nhiễm, đang điều trị cho 9 bệnh nhi mắc sởi. Từ đầu năm đến nay, Khoa tiếp nhận và điều trị cho hơn 70 bệnh nhi sởi. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sởi, cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.
 
Theo nhiều chuyên gia y tế, trẻ mắc sởi, sau khi đưa con đi khám, nếu bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú thì có thể chăm sóc và điều trị cho bé tại nhà. Tuy nhiên, cần chú ý không cho bệnh nhi tiếp xúc với trẻ lành. Trẻ bị sởi phải nghỉ học để tránh lây lan cho trẻ khác trong lớp học, trong trường. Mọi người cần rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sởi.
anh-soi3.jpg
Khi chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà, cha mẹ cần thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ. Ảnh minh họa
 
“Trẻ mắc sởi nhẹ chăm sóc tại gia đình cần được theo dõi thật cẩn thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ ngơi. Khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt. Nếu dùng kháng sinh phải có và theo chỉ định của bác sĩ”, TS Lâm khuyến cáo.
 
Bên cạnh đó, cha mẹ cần luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh đưa trẻ tới nơi tập trung đông người. Giúp trẻ giữ vệ sinh thân thể, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng.
 
Trong chế độ ăn của bệnh nhi, không nên kiêng khem, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng bị mất do quá trình nhiễm trùng. Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn cần đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, tránh ăn thức ăn cứng làm tổn thương đường tiêu hóa của trẻ.
 
Khi chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà mà thấy bé sốt cao liên tục từ 39°C đến 40°C; khó thở, thở nhanh; mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ… phát ban toàn thân mà vẫn sốt, cần đưa trẻ đến cơ sở gần nhất để được điều trị kịp thời.
anh-soi4.jpg
Khi chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà, nếu thấy bé sốt cao liên tục, cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm. Ảnh minh họa
 
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.
 
Sởi lan truyền do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Để tránh bệnh lây lan, không nên cho trẻ khỏe và trẻ bệnh dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm