Nguyên nhân khiến trẻ có thể thấp hơn bạn cả chục centimet khi trưởng thành

15/10/2018 - 14:45
“Thiếu vi chất dinh dưỡng không có dấu hiệu rõ ràng nhưng hậu quả thì rất nặng nề. Trẻ thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin D, thiếu canxi gây thấp còi, khi trưởng thành thua bạn cùng trang lứa hàng chục cm”, ThS Trần Khánh Vân cho biết.

Theo ThS Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe cho người dân. Tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em và giảm bền vững và đáng kể; tình hình an ninh lương thực, thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt.

 

anh-dd1.jpg
Trẻ được bổ sung dinh dưỡng hơp lý sẽ có điều kiện phát triển chiều cao một cách tối đa. Ảnh minh họa

 

Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của người Việt chưa được cải thiện, tỉ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%, ở phụ nữ có thai là 32,8%, ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỉ lệ thiếu kẽm còn cao, với trẻ dưới 5 tuổi là 69,4% và phụ nữ có thai đặc biệt cao với tỉ lệ hơn 80% bà bầu thiếu kẽm.

ThS Trần Khánh Vân cho biết thêm, thiếu vi chất dinh dưỡng không có dấu hiệu rõ ràng nhưng hậu quả thì rất nặng nề. Với một đứa trẻ thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu vitamin D, thiếu canxi gây thấp còi, khi trưởng thành kém bạn cùng trang lứa hàng chục cm.

Cụ thể, theo ThS Vân, khi 3 tuổi mà trẻ trong tình trạng thấp còi nặng so với tuổi thì đến khi trưởng thành, chỉ cao được tối đa là 1,58m. Còn nếu trẻ trong tình trạng thấp còi vừa thì khi trưởng thành chỉ cao tối đa khaongr 1,62m. Tuy nhiên, nếu khi 3 tuổi, trẻ trong tình trạng phát triển tốt thì khi trưởng thành, chiều cao có thể dạt hơn 1,7m.

 

anh-dd.jpg
ThS Trần Khánh Vân cho biết, trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng, khi trưởng thành có thể kém bạn cùng trang lứa hàng chục centimet

 

Theo Bộ Y tế, chiều cao và cân nặng đạt chuẩn của bé trai khi 3 tuổi là từ 13 đến 16,4kg; từ 91,1 đến 98,8cm. Còn với bé gái là từ 12,6 đến 16,1kg; từ 90,2 đến 98,1cm. Ở dưới các ngưỡng trên, trẻ sẽ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi và nhẹ cân.

Để phòng, chống trẻ bị suy dinh dưỡng, ThS Trần Khánh Vân khuyến cáo, các gia đình cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, nhất là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Đặc biệt là dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con...

"Các gia đình cũng nên ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn", ThS Vân đưa ra lời khuyên.

Hưởng ứng ngày Lương thực thế giới 16/10, Bộ Y tế phát động tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" từ ngày 16 đến 23/10, với chủ đề “Thực hiện dinh dưỡng ngay hôm nay giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống ngày mai”.

Tuần lễ tập trung vào các nội dung: Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời; Tăng cường truyền thông dinh dưỡng trong thai kỳ, uống viên sắt/acid folic theo hướng dẫn; Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh; bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục bú mẹ, ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; Bữa ăn bổ sung của trẻ cần đa dạng nguồn thực phẩm; Trẻ cần ăn uống lành mạnh, hợp lý và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân, béo phì; Trẻ vị thành niên và thành niên cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu, uống viên sắt, viên đa chất dinh dưỡng theo hướng dẫn...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm