pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân nào gây ra đốm trắng trên răng?
Ảnh minh họa
Đốm trắng trên răng có thể xuất hiện trên cả ở răng sữa và răng vĩnh viễn. Việc điều trị tình trạng này sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thật may, các đốm trắng trên răng thường không nguy hiểm.
1. Nguyên nhân gây đốm trắng trên răng
Những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đốm trắng trên răng bao gồm:
Sâu răng
Sâu răng có thể gây mòn men răng, dẫn đến xuất hiện các đốm trắng trên răng. Trong trường hợp này, các vết đốm thường xuất hiện ở những nơi tích tụ thức ăn, chẳng hạn như gần nướu và giữa các răng, có thể thúc đẩy vi khuẩn và mảng bám phát triển.
Sâu răng thường liên quan đến việc vệ sinh răng miệng kém và liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều đồ ăn ngọt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và hình thành mảng bám.
- Cách điều trị
Việc điều trị sâu răng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Các phương pháp điều trị sâu răng bao gồm:
+ Điều trị bằng florua
+ Trám răng
+ Mão răng
+ Điều trị tủy
+ Nhổ răng
Bệnh nhiễm fluor
Nhiễm fluor là tình trạng gây ra các đốm trắng hoặc nâu trên răng. Tình trạng này xảy ra khi trẻ liên tục tiêu thụ quá nhiều fluor trong khi răng vĩnh viễn của trẻ vẫn đang hình thành dưới nướu. Điều này bao gồm uống nước có nhiều fluor hoặc nuốt kem đánh răng có fluor.
Bệnh nhiễm fluor răng ở người lớn không xảy ra. Tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến những chiếc răng vẫn đang phát triển dưới nướu.
Nhiễm fluor răng không ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc chức năng răng miệng. Trên thực tế, những người bị nhiễm fluor thực sự có khả năng chống sâu răng tốt hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn nên sử dụng kem đánh răng với lượng vừa phải, nhiễm fluor nặng có thể có những ảnh hưởng nhất định.
Thiểu sản men răng
Đây là khi men răng của bạn không phát triển bình thường, khiến men răng quá mỏng hoặc mất một số phần của răng. Men răng là lớp cứng bao phủ răng, bao gồm ngà răng và tủy răng.
Không giống như tình trạng xói mòn răng - tức là men răng bị mòn dần theo thời gian, tình trạng thiểu sản men răng liên quan đến việc không có đủ men răng ngay từ đầu. Các tình trạng bệnh lý hoặc yếu tố môi trường ngăn cản men răng hình thành đúng cách trước khi răng của bạn mọc.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của chứng thiểu sản men răng bao gồm:
+ Răng có hố, rãnh hoặc vết nứt
+ Răng bị mòn hoặc sứt mẻ
+ Vết ố vàng hoặc nâu trên răng
+ Có đốm trắng trên răng
+ Nhạy cảm với thức ăn hoặc đồ uống nóng hoặc lạnh
Những người bị thiểu sản men răng có nhiều khả năng bị sâu răng và nhạy cảm hơn, vì vậy điều quan trọng là phải đi khám nha sĩ thường xuyên và duy trì vệ sinh răng miệng tốt.
- Cách điều trị
Các đốm do thiểu sản thường dễ điều trị bằng cách tẩy trắng răng hoặc dùng kem đánh răng tái khoáng. Tuy nhiên, nếu ngoài vết đốm, còn mất một số phần của răng, nha sĩ có thể đề nghị cấy ghép răng.
Độ axit trong miệng cao
Nồng độ axit cao hơn trong miệng có thể dẫn đến mất khoáng men răng và các đốm trắng trên răng. Nồng độ axit tăng trong miệng có thể do tăng tiêu thụ thực phẩm có tính axit cao, giảm lượng nước bọt tiết ra hoặc trào ngược axit .
Một số thực phẩm có tính axit cao như cam quýt, soda, thực phẩm chế biến,...
Thở bằng miệng khi ngủ
Nếu bạn thở bằng miệng khi ngủ, các đốm trắng sẽ hình thành trên răng do men răng bị mất nước. Nhưng khi răng của bạn bắt đầu tiếp xúc với nước bọt, các đốm trắng buổi sáng này thường sẽ mờ dần trong ngày.
Ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thở bằng miệng khi ngủ. Mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều đến răng miệng nhưng hội chứng này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ,... do đó nếu thường xuyên ngủ ngáy, há miệng, ban ngày mệt mỏi dù ngủ đủ giấc,... bạn nên kiểm tra sức khỏe và có hướng kiểm soát phù hợp.
2. Cách loại bỏ đốm trắng trên răng
Một số phương pháp có thể giúp bạn loại bỏ được các đốm trắng trên răng như:
- Làm trắng răng hoặc tẩy trắng: Có nhiều sản phẩm làm trắng răng, chẳng hạn như miếng dán và kem đánh răng, được bán không cần đơn thuốc (OTC). Bạn cũng có thể đến bác sĩ nha khoa để tẩy trắng răng.
- Chăm sóc răng miệng tốt hơn: Nếu vệ sinh răng miệng kém là nguyên nhân cơ bản gây ra các đốm trắng, thì việc điều trị lâu dài cần bao gồm việc chăm sóc răng miệng tốt hơn. Đánh răng và súc miệng thường xuyên sau khi ăn. Không sử dụng quá nhiều kem đánh răng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Nếu đốm trắng trên răng của bạn là do chế độ ăn uống, điều đầu tiên bạn cần làm là thay đổi chế độ ăn. Tránh thực phẩm có tính axit và quá nhiều đường.
- Tẩy nhẹ lớp men răng: Phương pháp này nhẹ nhàng loại bỏ một lớp men răng mỏng để giảm thiểu các màu sắc khác nhau của các đốm trắng. Tuy nhiên, đây không hẳn là phương pháp lý tưởng vì phương pháp này loại bỏ một phần cấu trúc răng.
3. Làm thế nào để ngăn ngừa đốm trắng trên răng
Để ngăn ngừa đốm trắng trên răng, bạn nên:
- Thực hiện vệ sinh răng miệng tốt: Đánh răng 2 lần/ngày, chải theo hình tròn nhẹ nhàng hướng về phía nướu. Súc miệng sau bữa ăn để loại bỏ các hạt thức ăn và cặn axit khỏi răng.
- Ăn chế độ ăn tốt cho răng: Bạn nên ăn ít đường và hạn chế những thực phẩm có tính axit.
- Theo dõi lượng fluor hấp thụ của trẻ: Để ngăn ngừa tình trạng nhiễm fluor ở răng trẻ em, hãy theo dõi trẻ khi trẻ đánh răng. Đảm bảo trẻ chỉ lấy một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu vào bàn chải. Đảm bảo trẻ không nuốt kem đánh răng khi đánh răng.
Fluor cũng có trong một số loại đồ uống, một số loại cá và một số loại nước máy trong cộng đồng. Do vậy, bạn cũng nên hạn chế cho trẻ uống những loại nước này.
- Súc miệng bằng dầu: Súc miệng bằng 2 thìa dầu dừa trong khoảng 30-60 giây. Bạn có thể súc miệng bằng nước ấm sau khi nhổ dầu ra. Dầu dừa chứa axit lauric giúp loại bỏ mảng bám và giúp loại bỏ các đốm trắng trên răng.
- Khám sức khỏe định kỳ: Bạn nên đến gặp nha sĩ 2 lần một năm để được kiểm tra sức khỏe răng miệng.
Nhìn chung, các đốm trắng trên răng của bạn thường sẽ biến mất trong vòng một ngày nếu do mất nước hoặc vài tuần nếu do vệ sinh răng miệng kém. Nếu các đốm đổi màu và kéo dài hơn 2 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ nha khoa để được kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp.