pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nguyên nhân và cách khắc phục bệnh tóc bạc sớm ở trẻ
1. Định nghĩa bệnh tóc bạc sớm ở trẻ em
Bệnh tóc bạc sớm ở trẻ là hiện tượng có các sợi tóc màu trắng trên đầu, xen kẽ các sợi tóc màu đen, xảy ra trước 20 tuổi ở người da trắng, trước 25 tuổi ở người châu Á, và trước 30 tuổi ở người châu Phi.
- Thiếu hụt sắc tố melanin gây tình trạng bạc tóc sớm ở trẻ:
Hắc sắc tố melanin là yếu tố quyết định nên màu tóc của con người. Tóc bạc sớm xảy ra có thể xuất phát từ sự rối loạn trong quy trình sản xuất melanin và rối loạn chức năng albumin khiến cho tóc sớm bị mất đi màu sắc ban đầu và bạc sớm. Bên cạnh đó khi hydrogen peroxide tích tụ nhiều trong tóc cũng khiến các sắc tố melanin bị phá hủy dẫn đến hiện tượng bạc tóc.
- Di truyền:
Đây có lẽ là nguyên nhân lớn nhất gây ra hiện tượng tóc bạc sớm. Sắc tố melanin của tóc được quy định theo gene. Đột biến gene làm cho tóc bạc sớm. Nếu ông bà, cha mẹ có tình trạng tóc bạc ở tuổi thanh thiếu niên hoặc sớm hơn 25 tuổi, nhiều khả năng thế hệ con cháu cũng gặp tình trạng tương tự.
- Thiếu vitamin dẫn đến hiện tượng bạc tóc sớm ở trẻ:
Trẻ thường xuyên không nhận đủ vitamin và khoáng chất, bao gồm: vitamin B12, kẽm và đồng, axít folic, vitamin D có thể dẫn đến bệnh tóc bạc sớm.
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh:
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ưa thích thức ăn nhanh, gây tăng tiết cholesterol làm yếu chân tóc, làm gián đoạn quá trình phát triển của tóc gây tóc bạc sớm. Thiếu các loại vitamin cùng các vi chất như sắt, đồng, kẽm cũng làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm.
- Bệnh chuyển hóa:
Các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, cường/suy tuyến thượng thận, men gan, nồng độ cholesterol cao, v. v đều làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm. Cụ thể, cường/suy tuyến giáp gây rối loạn sản xuất hormone, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melanin ở nang tóc, làm tóc bạc sớm.
- Khói thuốc lá:
Có rất nhiều hoát chất độc hại có trong khói thuốc lá, điển hình là chất nicotine. Do vậy, cha mẹ hút thuốc lá thường xuyên không những gây tác động xấu đến sức khỏe của mình và con, là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư mà còn khiến tóc của con trở nên dễ gãy rụng và bạc sớm.
- Dầu gội đầu và xà phòng:
Một số loại dầu gội và xà phòng có chứa hóa chất độc hại, làm hỏng tóc, khiến tóc khô xơ và nhạt màu hơn. Do đó, bạn nên chọn cho trẻ các loại dầu gội nhẹ, có chiết xuất từ thảo dược tự nhiên có bổ sung thêm các dưỡng chất cho trẻ.
- Bệnh lý:
Một số tình trạng bệnh lý cũng có thể gây ra hiện tượng tóc bạc sớm ở trẻ em. Các tình trạng có thể gồm:
+ Bệnh bạch biến: Tình trạng da bạch biến phá hủy các bộ phận tạo màu của nang tóc khiến trẻ bị bạc sớm.
+ Bệnh tuyến giáp: Một trong hai loại rối loạn chức năng tuyến giáp là suy giáp hoặc cường giáp có thể ảnh hưởng không tốt đến tóc.
+ Rụng tóc từng mảng: rụng tóc từng mảng là một bệnh tự miễn dịch có thể gây ra tình trạng rụng các mảng tóc đột ngột. Khi tóc mọc trở lại, nó có thể xám màu tạm thời hoặc vĩnh viễn.
3. Không thể coi thường dấu hiệu tóc bạc sớm ở trẻ
Trong nhiều trường hợp, tóc bạc sớm không đơn thuần chỉ là tình trạng tóc bạc, mà là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm hơn. Cụ thể, tóc bạc ở trẻ là dấu hiệu nghi ngờ bệnh xơ cứng mô sụn và bạch biến, nguyên nhân gây ra hiện tượng mất sắc tố tóc.
Ngoài ra, tóc bạc sớm ở trẻ còn là dấu hiệu báo trước bệnh co giật, khối u, rối loạn tuyến giáp và các rối loạn nội tiết khác. Do đó, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi làm các xét nghiệm sàng lọc sớm nguy cơ mắc các bệnh lý nêu trên.
4. Cải thiện tình trạng bạc tóc sớm ở trẻ thế nào?
- Tính đến nay vẫn chưa có phương pháp nào giúp điều trị triệt để tình trạng tóc bạc sớm ở trẻ, nhưng mẹ có thể khắc phục cho con bằng những phương pháp sau:
+ Đảm bảo bổ sung các dưỡng chất đầy đủ hàng ngày. Đặc biệt bạn nên chú trọng những nhóm vitamin A, B (B5, B12), vitamin C, E, riboflavin hoặc axit folic có trong các loại rau lá xanh đậm, hoa quả tươi như quả lê, mâm xôi và quả anh đào để giúp mái tóc trở nên chắc khỏe hơn.
+ Cho trẻ ngủ đủ giấc, giữ tinh thần tích cực, thoải mái, lạc quan và hạn chế lo âu, stress.
+ Hạn chế tác động hóa chất lên tóc trẻ như uốn, nhuộm, tẩy tóc hoặc dùng những sản phẩm khiến mái tóc bị hư hỏng nặng.
+ Cha mẹ hạn chế việc hút thuốc lá làm ảnh hưởng đến không khí trong nhà.
+ Khi trẻ bị bạc tóc sớm, mẹ không nên nhổ tóc thường xuyên vì điều này dễ làm tổn hại đến các nang tóc trên da đầu.
+ Mẹ có thể cân nhắc cho con sử dụng những loại thảo dược hỗ trợ làm mềm và đen tóc, giúp tóc chắc khỏe hơn. Nên dùng các sản phẩm có chứa vừng đen, hạt đỗ đen, hà thủ ô hoặc cỏ lúa mạch,... đều là những chiết xuất từ thiên nhiên rất có lợi cho mái tóc.
+ Nếu trẻ có nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa thì nên đưa trẻ đi khám toàn thân, kiểm tra nội tiết, tuyến yên, tuyến giáp. Kiểm tra các dấu hiệu của bạch biến, u xơ củ.