Nhà khoa học cho rằng kết luận cá chết có khuất tất

28/04/2016 - 11:48
Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân cá chết do Bộ Tài nguyên Môi trường công bố ngày 27/4 còn chung chung, có khuất tất. Vì vậy, Bộ Công an nên vào cuộc để làm rõ.
PGS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển cho rằng, công bố về nguyên nhân cá chết tại các tỉnh ven biển miền Trung của  Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thuyết phục. Ví như Bộ nói có hiện tượng thủy triều đỏ, thì hiện tượng đó bắt đầu từ đâu. Bộ cũng thừa nhận là do độc tố, nhưng độc tố gì thì chưa tìm ra, liên quan tới ai, tải ra từ đâu.
nguyen-chu-hoi-130313.jpg
PGS Nguyễn Chu Hồi
Theo ông Hồi, kể cả xác định được những yếu tố trên, nhưng nó không thể đồng thời xảy ra cùng một thời điểm. Nói như Bộ Tài nguyên và Môi trường thì sẽ quay lại những ngày đầu tiên mà các nhà nghiên cứu thảo luận. Khi ấy, người đưa nguyên nhân là do thủy triều đỏ, người đưa là do độc tố.

Cơ quan chức năng không có hình ảnh minh chứng thủy triều đỏ. Một số báo đưa tin, nhưng cũng chỉ lấy hình ảnh từ bài giảng của quốc tế về thủy triều đỏ. Còn tại Việt Nam, nó xảy trên một diện tích vùng biển lớn như thế, tại sao vệ tinh cũng không ghi nhận được?

“Tôi cho rằng, Bộ TN&MT công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt khó thuyết phục. Điều này sẽ làm người dân còn hoang mang hơn, không còn tin tưởng cơ quan chức năng, bởi nói chung chung mà không đưa ra bằng chứng. Thà không nói thì thôi, chứ nói phải cho đúng và có cơ sở khoa học”, PGS Hồi nói.

PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa (Trường Đại học Khoa học Tư nhiên Hà Nội), cho rằng, trong một điều kiện nào đó, tảo đỏ phát triển rầm rộ, tiết ra chất độc và giết sinh vật. Tuy nhiên, trong trường hợp cá chết ở miền Trung, nguyên nhân này không thể vì nếu cá chết ở diện rộng như thế thì tảo đỏ phải xuất hiện ở diện rộng và kéo dài. Khi đó người dân, ảnh vệ tinh hay trạm quan trắc phát hiện được ngay. Trong khi đến nay, người dân và các nhà khoa học không thấy trường hợp này xảy ra.  “Tôi cho rằng, lượng độc phải rất lớn và độc tính phải rất cao, chắc chắn lượng nitrit và các biocide diệt sinh vật là nghi vấn số một”.
ca-chet-1461198857-1461322615_ctln.jpg
Hàng chục tấn cá ở các tỉnh miền Trung bị chết
TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) nói, trước khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra kết luận, ông cũng đoán kết luận sẽ chung chung.

PGS Thịnh cho rằng, trong kết luận này có nhiều khuất tất cần được làm rõ. Nếu độc tố do sinh hoạt trên bờ và trên biển thải ra qua các mẫu phân tích thì đó là được độc tố gì, có phát hiện ra cyanua, nitrit, kim loại nặng trong các mẫu nước, cá, trầm tích hay không? Hơn nữa, nếu do độc tố hóa học  tác động khiến cá chết thì tất cả sinh vật ở vùng biển đó sẽ chết, trong đó có sinh vật phù du, tảo cũng có thể sẽ chết. Ở đây cần phải làm rõ xem, thủy triều đỏ đã xuất hiện và đã gây ra độc tố như thế nào khiến các loài cá tầng đáy chết.

Ông Thịnh đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu Bộ khẳng định Formosa không liên quan? Có số liệu quan trắc môi trường không, hay Bộ chỉ dựa vào báo cáo của công ty, mà số liệu đó doanh nghiệp có thể thay đổi để báo cáo với cơ quan chức năng? “Bây giờ, Bộ Công an phải vào cuộc, làm rõ nguyên nhân cá chết để trả lời dư luận. Nếu không người dân sẽ rất hoang mang, lo sợ”, ông Thịnh đề xuất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm