Chàng công tử không an phận
Văn Hà lập nghiệp tại Sài Gòn với việc vừa học khoa Thời trang, trường Đại học Hồng Bàng, vừa đi make up cho người mẫu của các công ty thời trang. Chàng trai này vốn là con cưng trong một gia đình viên chức tại tại thành phố Thanh Hóa. Vì đam mê nghệ thuật, Văn Hà khăn gói quả mướp vào Sài Gòn thi đại học, mặc cho bố mẹ chỉ muốn con trai ở gần bên để bớt đi những khó khăn vất vả khi sống một mình nơi xứ người.
Thuê nhà, đi học, đi làm, tới năm thứ 4 đại học, Văn Hà đã tích cóp được 110 triệu đồng. Cậu quyết định sẽ mở shop. Ngày Văn Hà mở cửa hàng cũng chính là hôm cậu bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Bữa ấy, trong túi Hà chỉ còn vỏn vẹn 1,3 triệu đồng, mà bộ sưu tập để ra mắt trong lễ bảo vệ đồ án cần phải thuê tới 4 người mẫu. Giá thuê tổng cộng 2 triệu đồng. Bao nhiêu chuyện xảy tới: cửa hàng đang khai trương múa lân ầm ĩ mà chủ nhân thì rối như tơ vò vì thiếu tiền cho lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Cuối cùng, Văn Hà đành thú thật với các người mẫu rằng, cậu đã “cháy túi” rồi. Cũng may, có người mẫu thông cảm nên không nhận tiền thù lao. Bộ sưu tập thời trang của Văn Hà được Hội đồng chấm thi đánh giá cao.
Được một thầy giáo trong trường quý mến, cho mượn thêm 20 triệu đồng, Văn Hà chạy thẳng về cửa hàng, sử dụng số tiền vừa được cho vay một cách cẩn trọng và tiết kiệm nhất. “Tôi đã làm việc đúng theo nghĩa “trâu bò”: một ngày làm liên tục, không có cả thời gian để ăn và ngủ. May mắn là khách hàng rất yêu quý. Những người phụ nữ không phải trong giới showbiz mà chỉ có cuộc sống giản dị bình thường, khi cần chiếc đầm đẹp đi ăn tiệc thì đều nhờ tôi may đồ và tư vấn”, Văn Hà kể.
Nhưng trời còn thử thách lòng người. Tiệm của Văn Hà cần phải có thêm vốn để mua bổ sung vật liệu may mặc. Vậy là cậu đành phải phân thân. Chạy show. Văn Hà đi show trang điểm. Cách nay 6 năm là thời rất thịnh của make up, vì người làm chuyên nghiệp không có nhiều. Văn Hà chỉ cần thực hiện trong 1,5 tiếng đồng hồ là đã có thể bỏ túi 10 triệu đồng. Có những bữa, một mình Hà xoay với hơn chục gương mặt, tay tê dại luôn, bù lại, nhà thiết kế trẻ này có khoản tiền để đi mua vải đẹp về may đồ cho khách.
Thất bại liên tiếp
Công việc kinh doanh đang phát triển tốt nên Văn Hà bắt đầu tìm thời vận. Có sẵn trong tay mối quan hệ với các bạn ở nước ngoài, Văn Hà mở xưởng may quần áo xuất khẩu đi Nhật Bản và châu Âu. Thời gian đầu rất tốt, 40 máy may hoạt động hết công suất. Đang khấp khởi vui mừng thì nhân sự lại trục trặc. Các thợ có tay nghề tốt và khéo đều xin qua những công ty lớn với mức ưu đãi cao. Suốt 1 năm, Hà chỉ loay hoay với người xin vào, kẻ chạy ra. Miết rồi không thể nào yên ổn để đảm bảo thời gian giao quần áo cho đối tác.
Không thể khoanh tay nhìn xưởng may chết dần chết mòn, Văn Hà đành phải bán lại tất cả để cắt lỗ. “Tôi như “chết” thêm lần nữa khi xưởng và shop may đồ tinh chế đã quen với khách hàng nhiều năm rồi, giờ chủ nhà đòi lại mặt bằng. Thất bại liên tiếp khiến tôi quá chán nản, chỉ muốn chạy tới đâu một mình, vùi trong nỗi buồn và sự buông bỏ”, Văn Hà kể lại những tháng ngày khốn đốn.
Sống chậm và khởi nghiệp lại
Thuê một căn nhà trong con hẻm nhỏ, Văn Hà sống chậm lại, nghĩ về những điều xảy ra với mình. Sự tự lập đã quen, gia đình cũng đã “cắt viện trợ” từ rất lâu rồi, giờ phải làm sao khi mọi thứ không còn nữa? Cậu suy sụp. Mỗi lần Hà điện thoại về nhà, mẹ lại khóc. “Tôi đã phải cắn răng chờ thời. Sự báo hiếu lớn nhất của tôi với cha mẹ, chính là sự thành đạt của mình. Tôi phải cố gắng hết sức”, Văn Hà tâm sự.
Rồi khi nỗi buồn tan đi, cậu quyết tâm làm lại từ 2 bàn tay trắng. Văn Hà bắt đầu tập trung thiết kế các mẫu đầm dạ hội. Với phong cách thiên về tiệc tùng, có phá cách ở vai và eo, tôn lên đường cong của cơ thể, những mẫu chỉ có 1 chiếc duy nhất đã mê hoặc những người phụ nữ yêu cái đẹp. Họ không phải người nổi tiếng mặc đầm đi dự event. Họ chỉ là những người phụ nữ muốn mình đẹp hơn trong mắt người khác, mỗi khi đi dự đám cưới và sinh nhật. Tên của Văn Hà được người trong giới cũng như khách hàng chú ý.
Thích nhất là sự sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà thiết kế trẻ này. Chị em cảm thấy tự tin hơn khi không quá lo lắng đến sự “đụng hàng”. Chính vì điều này, họ sẵn sàng may chiếc đầm chỉ dành riêng cho mình, với giá chấp nhận được. Văn Hà lại mở shop, gầy dựng lại tên tuổi và niềm đam mê thiết kế thời trang của mình.
Cách nay vài tháng, chỉ vì chiếc cửa kiếng mặt tiền do chủ nhà làm bể mà giữa Hà và họ không còn tìm được tiếng nói chung, Văn Hà lại đang chuẩn bị tìm chỗ để di dời cửa hàng. Trong suốt thời gian làm đồ thiết kế riêng cho thương hiệu Van Ha Collection, cậu cũng không quên mở thêm dòng thời trang ứng dụng mang tên Beliza. Đó chính là nhãn hiệu thời trang công sở với sự chỉn chu và nghiêm túc trong từng đường kim mũi chỉ mà một nhà thiết kế cần phải thể hiện.