Nhà thơ tuổi Dần Nguyễn Thị Hồng Ngát ít khi nghĩ đến chữ “nhàn”

Bảo Anh (Thực hiện)
03/02/2022 - 11:19
Nhà thơ tuổi Dần Nguyễn Thị Hồng Ngát ít khi nghĩ đến chữ “nhàn”

Nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, chị say mê nhiều thứ, muốn làm nhiều thứ vì đời người chỉ sống một lần. Ít khi chị được nghỉ ngơi hoặc “hưởng thụ” những thú vui như những người phụ nữ khác.
"Tôi can tội làm gì cũng say mê"

+ Công việc, cuộc sống của chị năm qua thay đổi thế nào?

Cả thế giới bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 chứ không riêng gì chúng ta. Trong tình hình này, Chính phủ và người dân đều gồng mình lên chống dịch. Các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Tôi là người sáng tác, lại đã về hưu nên không bị ảnh hưởng quá lớn, càng ngồi nhà yên tĩnh càng viết được nhiều hơn.

+ Khoảng thời gian này, chị sáng tác thơ hay viết kịch bản và làm phim?

Tháng 4/2021, sau gần 10 năm tôi mới ra được tập thơ mới. Tập thơ có tên "Những con sóng" (NXB Hội Nhà văn). Viết được bài thơ hay đã khó, ngồi sắp xếp và biên tập lại cho đủ độ dày của một tập thơ cũng mất thời gian. May mắn tôi có con gái lớn làm đồ họa trình bày và vẽ bìa cho nên cũng vui. Bên cạnh đó, tôi cũng hoàn thành một kịch bản phim điện ảnh "Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm" được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch ký quyết định sản xuất ở diện đặt hàng. Đây là bộ phim về nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm tài sắc vẹn toàn. Được làm bộ phim này, tôi và cả ê-kíp đều cảm thấy hân hạnh nhưng cũng vô cùng lo lắng. Lo lắng nhất khâu chọn diễn viên và bối cảnh, phục trang, đạo cụ - làm sao để khắc họa được giai đoạn bà sống một cách chân thực, giữ được bản sắc văn hóa Việt. Dịch bệnh làm ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất và cả việc huy động thêm kinh phí thực hiện.

Nhà thơ tuổi Dần Nguyễn Thị Hồng Ngát ít khi nghĩ đến chữ “nhàn” - Ảnh 1.

Nhà thơ - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, chị say mê nhiều thứ, muốn làm nhiều thứ vì đời người chỉ sống một lần. Ít khi chị được nghỉ ngơi hoặc “hưởng thụ” những thú vui như những người phụ nữ khác.

+ Ở vai trò nào, là nhà thơ, nhà biên kịch, nhà văn, hay nhà quản lý, đều thấy chị say mê và tận tâm với công việc. Làm sao để lúc nào cũng tràn đầy năng lượng như vậy, thưa chị?

Từ xưa đến nay tôi làm nghề viết. Tôi cũng tham gia làm quản lý một thời gian cho "có thực tế". Bạn bè thân thiết bảo tôi can tội làm cái gì cũng say mê. Đúng vậy, không say mê không làm được cái gì ra hồn đâu - kể cả việc nhỏ cũng như việc lớn. Tôi say mê nhiều thứ - muốn làm được nhiều thứ bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Ôm đồm thế nên khổ cũng phải. Tôi ít khi nghĩ đến bản thân hoặc nghĩ đến chữ "nhàn". Ít khi tôi được nghỉ ngơi hoặc "hưởng thụ" những thú vui như những người phụ nữ khác. Thậm chí, tôi ít du lịch trừ khi đi công việc thì tranh thủ ngó nghiêng cho biết. Hai con gái thương mẹ nên mấy năm nay đều đưa mẹ đi chơi đâu đó ít hôm để thay đổi không khí, trừ 2 năm có dịch Covid-19.

Là con nhà nông dân nên từ nhỏ tôi đã biết chịu khó lao động, yêu cả lao động trí óc lẫn chân tay. Tôi không biết ỷ lại bao giờ và cũng chả biết ỷ lại vào ai. Ông xã cũng là công chức, cũng làm nghề chữ nghĩa như mình, hưởng lương như mình... Tôi phải tự lập từ nhỏ nên quen rồi. Mọi người thấy tôi năng nổ, chịu khó, tận tâm với công việc nên khen tôi "đầy năng lượng" vì thế chăng?

Bình yên đón Tết quê nhà

+ Người ta vẫn nói, chuyện tình cảm của những người đàn bà tuổi Dần thường lận đận. Chị nghĩ sao về nhận xét đó?

Điều này với tôi là quá đúng, chạy trời không khỏi số. Nhưng cũng có thể nói "tính cách tạo số phận", tôi là người sống ngay thẳng, rất ghét sự gian dối, lừa mị… Tôi thích sự thành thật, cho nên khi tôi cảm thấy mình bị lừa - trong cả tình yêu lẫn tình bạn - thì tôi hay bỏ đi. Tôi còn trách giận có nghĩa là tôi còn thương mến, còn có thể bỏ qua nhưng khi tôi đã lẳng lặng bỏ đi thì có nghĩa là sự việc đã nghiêm trọng lắm rồi, là hết rồi đấy. Sống cần vị tha nhưng có những việc bị xúc phạm nặng nề thì khó mà tha thứ. Sống thế, tính cách thế, nhiều bão giông cũng phải.

Mươi năm trở lại đây tôi đến với chữ "buông" và chữ "thiền" trong đạo Phật - cũng mềm mại đi một chút nhưng vẫn chưa thật là hoàn hảo.

+ Chị và gia đình thường đón Tết truyền thống như thế nào?

Như mọi người, mỗi năm khi Tết đến xuân về tôi cũng thấy háo hức, vui vui. Vui vì đã kết thúc năm cũ, công việc cũ mọi thứ đều cũ đã qua đi. Nay năm mới mong mọi sự đều mới - làm được việc mới, viết được những bài thơ mới, may cái áo mới, cắm bình hoa mới… Xuân sang mang cho mỗi người một tâm trạng mới, sự hưng phấn mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Tôi cũng hay về quê nhà ở Mễ Sở (huyện Văn Giang, Hưng Yên). Cho dù các cụ thân sinh của tôi đã "hai năm mươi" cả rồi nhưng ở đó tôi vẫn còn mấy bà cô và các em cùng họ hàng thân thích, nhất là làng quê thân thuộc nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ở đó dọc con đê Văn Giang quê tôi có rất nhiều đền, chùa, miếu mạo cổ kính. Mỗi lần về, tôi đều thích được ghé thăm chùa thắp nén hương, nghe tiếng chuông chùa ngân nga trong thinh không nhuốm màu xưa cũ… Những khi ấy tôi thấy lòng thật thanh thản và bình yên!

+ Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm