Nhà văn Trần Văn Tuấn: "Tôi viết sách không phải để đi bán"

Võ Thu Hương (Thực hiện)
18/01/2025 - 15:14
Nhà văn Trần Văn Tuấn: "Tôi viết sách không phải để đi bán"

Nhà văn Trần Văn Tuấn

Nhà văn Trần Văn Tuấn vừa ra mắt tiểu thuyết "Trương Chi đa truyện" - một tác phẩm ông ấp ủ viết từ lâu. Ở tuổi ngoài 70, nhà văn của “Rừng thiêng nước trong” vẫn đều đặn sáng tác và không ngại viết những mảng đề tài mới, khác biệt với sở trường của mình. Ông đã có những trao đổi với PNVN về việc sáng tác.

"Tôi viết sách để thỏa đam mê bày tỏ những nghĩ suy, trí tưởng tượng của mình"

+ Được biết, "Trương Chi đa truyện" - tác phẩm mới nhất của nhà văn - được ông ấp ủ từ lâu nhưng khi viết lại rất nhanh?

Đúng, những gì trong "Trương Chi đa chuyện", câu chuyện về một nhân vật từ xa xưa là những điều mà tôi đã ấp ủ từ lâu rồi. Sau khi viết một vài cuốn tiểu thuyết về hiện đại thì tôi đã có ý định viết một cuốn tiểu thuyết về thời kỳ lịch sử hoặc xa xưa. Với mọi người, họ thường đi theo các nhân vật lịch sử, có thể là một nhân vật anh hùng, một tác phẩm mang tầm cỡ anh hùng ca mà tôi thì lại bị ám ảnh bởi Trương Chi - nhân vật có từ xa xưa đến giờ. Đó là nỗi buồn, nỗi khổ của nhân gian tôi bị ám ảnh khi viết ra.

+ Đối tượng mà tác phẩm "Trương Chi đa truyện" nhắm tới là ai?

Thú thực, tôi không nghĩ sách của tôi sẽ thuộc về đối tượng nào. Già đọc, trẻ đọc, trí thức đọc hay bình dân đọc… Lúc viết, tôi không quan tâm đến điều đó mà chỉ nghĩ rằng, cuốn sách này mình cần phải viết, viết theo cảm hứng của mình chứ không phải vay mượn cảm hứng của ai khác. Cá nhân tôi nghĩ, với Trương Chi, dù là một câu chuyện viết về một nhân vật từ xa xưa của một nhà văn lớn tuổi nhưng chắc rằng, độc giả trẻ cũng sẽ có những cảm nhận theo cách của họ. Bởi lẽ khi viết, bản thân câu chuyện Trương Chi đã có sự thu hút với tôi. Đó là câu chuyện thân phận, nhân văn.

Tôi viết sách không nhắm tới đối tượng độc giả, dù điều này nghe có vẻ phi lý. Với tôi, viết trước hết là để cho mình. Tôi không nghĩ mình viết cho ai cả, mà trước hết là để thỏa đam mê bày tỏ những nghĩ suy, trí tưởng tượng của mình. Đó cũng là nhu cầu được thể hiện của nhà văn nói chung.

Nhà văn Trần Văn Tuấn: "Tôi viết sách không phải để đi bán"- Ảnh 1.

 + Tuy vậy, việc không xác định đối tượng độc giả có thể làm hạn chế việc phát hành sách?

Tôi không phủ nhận vai trò của thị trường. Việc xác định đối tượng độc giả có thể ít nhiều đưa tới thành công cho nhà văn. Hiện nay, muốn sách bán được thì phải nhắm đến được đối tượng trẻ. Mà đối tượng trẻ trước hết cần yếu tố giải trí. Vì thế, khi viết cần biết lồng ghép, đưa những yếu tố giải trí của người trẻ vào trong cuốn sách của mình sao cho hợp tình, hợp lý.

Mặt khác, với kinh tế thị trường hiện nay, muốn sách phát hành rộng cần xác định đối tượng. Nhưng đến một mức độ nào đó, khi đã là một nhà văn, mình cần có trách nhiệm với chính mình trước hết, sống đúng với mình trước hết thì việc xác định đối tượng khi viết tôi nghĩ không phải là điều quan trọng nữa. Tôi viết sách không phải để đi bán. Quả thực, muốn sách của tôi bán chạy cũng không thể muốn được. Thì thôi, hãy viết theo chính mình, viết những cái mình thích mà thôi.

+ Là một nhà văn cầm bút từ khi còn trẻ và vẫn đều đặn có sáng tác mới ở tuổi ngoài 70, ông có thể chia sẻ với những nhà văn trẻ, điều gì làm nên sức bền để người viết có thể đi đường dài với văn chương?

Cá nhân tôi nghĩ, trong công việc sáng tạo nói chung và văn chương nói riêng, không có một công thức nào để cho mọi người có thể đi theo. Văn chương cũng không tính đến chuyện trẻ hay già mà nó được thể hiện qua bản lĩnh, cá tính và mạch văn của người viết. Có những người viết theo cảm xúc lại là trường hợp khác. Còn hầu hết, để có thể đủ tầm khái quát, đủ tầm thông điệp trong một tác phẩm văn xuôi, muốn hay không muốn vẫn phải có một bề dày kiến thức về xã hội, bề dày về vốn liếng ngôn từ và bề dày của những trải nghiệm. Từ những chuyện đơn giản như nóng lạnh, yêu ghét, buồn vui,… chứ chưa nói đến nhiều chuyện lớn lao hơn.

Trải nghiệm rất quan trọng để nhà văn có thể giãi bày chi tiết ra câu chuyện buồn, chuyện vui, những nghĩ suy, cảm xúc, những điều mắt thấy tai nghe thông qua chiêm nghiệm của mình.

Dấu ấn chiến tranh sâu đậm

+ Viết nhiều mảng đề tài nhưng dấu ấn sâu đậm nhất của nhà văn Trần Văn Tuấn là những tác phẩm viết về chiến tranh. Với "Trương Chi đa truyện", tác phẩm mới nhất của ông, cũng có những trang viết ấn tượng về Trương Chi ra trận, dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm. Vì sao lại có điều này?

Đó là bởi khi viết, nhà văn thường viết từ tâm thức, mà tâm thức thì sẽ do sự chi phối của thời sự hàng ngày, cả những ngày của những mơ ước và cả trong kí ức - như người ta vẫn thường nói, mỗi ngày có cả ba ngày trong đó.

Tôi có 5 năm sống trong chiến trường (mà đúng như mọi người nói, một ngày chiến trường bằng mấy năm hòa bình), với đầy đủ những trải nghiệm đắng cay, mặn ngọt, chua bùi, thất vọng, hy vọng… mỗi giờ mỗi khắc, tất cả tâm trạng con người đều dồn nén. Đó là những ngày tháng không thể nào quên và trở thành những "tinh chất" cất giữ cho trang viết. Tôi viết nhiều đề tài trong cuộc sống nhưng đề tài chiến tranh vẫn tạo dấu ấn không chỉ đối với người đọc mà đối với cả chính tôi.

+ Lúc ở chiến trường, nhà văn đã từng trải qua những thời khắc sinh - tử, có cảm giác mình bước vào cõi chết hay chưa?

Ồ, nếu nói chuyện nghĩ tới lằn ranh sống - chết thì ở chiến trường ngày nào cũng có. Nói đến tình huống sống chết ở chiến trường có nhiều vô vàn. Sau khi đi B về, tôi nhận nhiệm vụ bổ sung vào Sư đoàn 5, khoảng 5 tháng, tham gia đánh 2 trận ở Campuchia. Tôi tham gia Đại đội cối 82, nhận nhiệm vụ vác nòng, thả cối - là lính chiến thực sự, thường xuyên chiến đấu, thường xuyên cọ xát, hành quân. Tháng 8/1971, bị B52 rải, ép máu lòi khỏi tai, cùng với cơn sốt rét ác tính hành cho tưởng chết. Có lúc tôi đã bị ném qua nhà xác, sáng hôm sau may mắn có người phát hiện ra còn thở nên đưa lên bệnh viện của miền - bệnh viện cao hơn, hay còn gọi là tuyến cuối điều trị.

Ở chiến trường, sống được từ hôm nay đến ngày mai là biết sống được thêm một ngày. Lúc nào người lính cũng ở trạng thái sẵn sàng hy sinh. Còn những tình huống một sống hai chết, như chuyện ở trong hầm, phía ngoài B52 rải thảm kéo dài cả 10 phút và dĩ nhiên nghĩ mình cận kề cái chết rồi, vì chuyện một quả B52 rải trúng hầm là rất có thể xảy ra. Chỉ biết rằng, khi mình còn nghe tiếng nổ là thấy mình còn sống. Còn chuyện bị phục kích, tập kích từ nhiều hướng, bị đánh lén… - đối mặt trong cái sống nhưng ám ảnh đằng sau đó là cái chết.

+ Ngoài những trải nghiệm khốc liệt, còn có những trải nghiệm quý giá nào ở chiến trường có ý nghĩa với cuộc đời cầm bút của ông?

Tình đồng đội, đồng chí, tình người với những người dân Nam bộ trực tính, hồn hậu… những mối quan hệ giữa tình người son sắt với nhau, điều ấy nhiều người thấy rõ rồi. Với tôi, tôi thú thực, có lúc tôi có cảm giác ham sống trước những ấn tượng về thiên nhiên ở chiến trường. Giữa khốc liệt nhưng tuyệt đẹp. Là những buổi hoàng hôn xuống, những đêm trăng lên. Là cây cối nảy nở, hồi sinh. Tôi từng tả cây điệp ở Trảng Bàng mà tôi gặp. Một cái cây vàng ruộm nở giữa một khoảng trời mênh mông giữa đêm, qua bao năm bom vãi xung quanh mà nó vẫn đứng vững vàng, rất đẹp. Hay những đồng cỏ mùa khô vì nắng gió, vì đạn bom mà cháy đen thui nhưng sang mùa mưa lại hồi sinh xanh mướt. Hoặc chỉ đơn giản là vẻ đẹp của những đám hoa lục bình trôi trên sông Sài Gòn…

Những cảnh quan thiên nhiên giàu cảm xúc ấy trở thành động lực cho tôi sống và viết, không thể nào không ghi lại được.

- Cảm ơn nhà văn đã chia sẻ!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm