Nhà văn Vũ Bình Lục giải mã số phận nhân vật nữ trong văn chương

Võ Hà (Thực hiện)
22/11/2024 - 15:53
Nhà văn Vũ Bình Lục giải mã số phận nhân vật nữ trong văn chương

Nhà văn Vũ Bình Lục

Mới đây, nhà văn Vũ Bình Lục giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Vừa đi vừa nghĩ” với độ dài hơn 1.000 trang. Trong công trình tập hợp nhiều bài viết nghiên cứu phê bình văn học, tác giả dành nhiều trang để luận bàn, giải mã số phận của nhiều nhân vật nữ trong lịch sử và văn chương.

+ Xin chào nhà văn Vũ Bình Lục, đọc các nghiên cứu của ông có thể thấy nhà văn dành nhiều trang cho các nhân vật nữ trong văn chương và lịch sử. Điều gì đã thôi thúc ông viết nhiều về đề tài này?

Ở thời phong kiến, người phụ nữ luôn bị khinh rẻ. Thân phận họ rất thấp kém. Ở chế độ quân chủ chuyên chế, Nho giáo coi trọng nam giới, người phụ nữ gần như không có vai trò gì trong xã hội. 

Họ bị coi thường, thậm chí, họ chỉ được xem như một thứ của cải trong gia đình. Qua những trang nghiên cứu của mình, tôi muốn lật giở lại những thân phận cụ thể như chứng nhân của một thời như thế.

+Trong cuốn sách mới nhất của ông, cuốn "Vừa đi vừa nghĩ", có nhiều trang viết về số phận các nhân vật nữ. Ngòi bút của ông dường như dành nhiều ưu ái cho số phận nữ giới trong lịch sử và văn chương?

Tôi viết về thân phận các cung nữ trong "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều, phê phán, phản biện quan điểm sai lệch của một số tác giả trong đánh giá về người cung nữ. 

Tôi viết về Hồ Xuân Hương, về Nguyễn Thị Lộ, phản biện những cách nghĩ, quan điểm hạ thấp vai trò của bà Lộ, thậm chí kết tội bà một cách vô lý. Nghiên cứu hình ảnh người phụ nữ trong văn chương ngày xưa để thấy rõ sự bất công vô lý đó. Đó chính là thiên chức của nhà văn có trách nhiệm với xã hội.

+Trong số các nhân vật nữ trong lịch sử và văn chương Trung đại, nhà văn Vũ Bình Lục ấn tượng với nhân vật nào và dự định khai thác thêm nhân vật nữ nào qua nghiên cứu, tác phẩm sắp tới?

Ở văn chương và lịch sử thời Trung đại nước ta, những cung nữ của Nguyễn Gia Thiều, những khúc ngâm của người chinh phụ vẫn còn nhiều day dứt đối với tôi. Oan khuất của bà Nguyễn Thị Lộ tuy đã được hoá giải nhưng phần đông dân ta chưa biết, kể cả những đóng góp trí tuệ to lớn của bà cũng chưa được người đời nay thấu tỏ. 

Riêng trường hợp Huyền Trân công chúa có thể dựng thành tiểu thuyết hấp dẫn và phim truyền kỳ. Tiếc rằng chúng ta chưa làm được điều đó.

+Trong đời thường, hẳn cũng có những người phụ nữ đóng góp vào thành tựu nghiên cứu của ông?

Trong sự nghiệp văn chương của tôi luôn có sự đồng hành vô giá của nhà tôi, nhà giáo dạy văn Nguyễn Thị Dung (đã mất). Bà là một nhà giáo mẫu mực, cả đời hy sinh vì khát khao cống hiến của chồng. Bà cũng đã đóng góp những ý kiến quý báu cho những phê bình văn học của tôi.

Nhiều năm nghiên cứu, giải mã kho báu văn chương, đặc biệt là thời kỳ Trung đại, mới đây, ông được trao giải thưởng Đào Tấn - một giải thưởng nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Cảm nghĩ của ông khi nhận giải thưởng này như thế nào?

Tôi làm nghiên cứu văn học cổ một cách tự nguyện và đam mê, không chịu áp lực nào. Tôi biết hiện nay rất ít người dũng cảm, dám lao vào lĩnh vực cực kỳ khó khăn này. 

Phải mất rất nhiều năm và cả thiên bẩm nữa, mới có đủ kiến văn để giải mã kho báu văn chương viết bằng chữ Hán của các cụ. Công việc này phải đủ tâm, đủ tầm, đủ đam mê, mới có thể làm được.

Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Vũ Bình Lục sinh năm 1948, quê ở huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Trong lĩnh vực Nghiên cứu - Phê bình văn học, những tác phẩm đáng chú ý của nhà văn Vũ Bình Lục có thể kể đến cuốn "Giải mã thơ chữ Hán và bình thơ Nôm của Nguyễn Trãi", "Giải mã thơ Lý - Trần" (5 tập), "Hồn thiền trong thơ Lý - Trần", "Thánh thơ Cao Bá Quát", "Giải mã thơ chữ Hán Việt Nam từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 19" (2 quyển), "Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn"…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm