Nhạc sĩ 'Bay' trong hẻm người nổi tiếng

05/12/2016 - 12:25
Đường Lê Văn Sỹ (TPHCM) lúc nào cũng ồn ào, tưởng như chẳng bao giờ biết ngủ, dù giữa trưa nắng hay đã nửa đêm. Ở nơi đó, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong đã trải nghiệm đủ mọi khía cạnh trong đời sống của phố, để sáng tác và để nhấm nháp vị đời.

Yêu cả từng “góc tối” của phố

Nguyễn Hải Phong là người gốc Huế, vào Sài Gòn để sống và học tập đã được 14 năm. Trong suốt thời gian ấy, Phong di chuyển chỗ ở nhiều vô kể. “Những năm đầu, tôi sống ở Q.Tân Bình, sau vài năm tôi chuyển tới sống và học ở Q.2, rồi Q.7, Q.1. Cho tới khi tôi về đây - đường Lê Văn Sỹ - cảm thấy sự gắn bó từ rất lâu và có nhiều kỷ niệm đẹp nhất”, tác giả của ca khúc “Đường cong” cho biết.

Khoảng hơn chục năm trước đây, khi Phong còn đi học, những con hẻm trên đường này còn nhỏ rất nhỏ và tối, quán xá chưa nhiều và cầu thì cũ. Có lần, Phong ngồi cà phê với thầy giáo và đám bạn trên vỉa hè, thầy kể cho học trò nghe đối diện nhà thầy có vài người vô gia cư. Hàng đêm, họ thường tới ngủ nhờ dưới mái hiên thiên hạ, sáng ra lại tản đi kiếm kế sinh nhai. Cứ ngày này qua ngày khác, mọi chuyện đều như vậy. Có ông lão sống đời tạm bợ thế mà qua mấy chục năm. Bất kể trời nắng hay mưa, trời lạnh hay nóng.

6.JPG
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong

Nguyễn Hải Phong kể, nhà thầy giáo của cậu nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3. Những con hẻm này ăn thông với nhau, chằng chịt nhau vô cùng phức tạp, không phải ai cũng biết lối đi. Người lạ chạy vô rất dễ lạc đường. “Sống trong môi trường ấy mới thấy hết sự chân thật của văn hóa người Sài Gòn. Rất nhiều lần tôi đi qua những con hẻm này và chứng kiến, đúng như lời thầy giáo đã kể. Người dân sống vô cùng vất vả nhưng họ vẫn lạc quan và mỉm cười hàng ngày”, Nguyễn Hải Phong chia sẻ. Nhờ sự trải nghiệm này mà nhạc sĩ trẻ đã viết nên ca khúc mang tên “Góc tối”, đoạt giải Bài hát của tháng và ca sĩ được yêu thích tháng 5/2008; giải Bài hát mang phong cách rock nổi bật năm 2008 trong chương trình “Bài hát Việt”.

Trong cả khu phố, nơi Phong và gia đình đang ở, chẳng ai không biết cặp vợ chồng bán hủ tiếu trên xe đầu hẻm. Họ tảo tần chăm chỉ và bên nhau gần 20 năm nay. Những con người đáng yêu khác như ông xe ôm đầu hẻm, ông chủ quán nhậu trên bờ kè phía sau, đều luôn vẫy tay chào mỗi khi thấy chàng nhạc sĩ trẻ đi ngang qua. Thân tình và ấm áp. 

Phố “đa phong cách”

Đường Lê Văn Sỹ kéo dài tới 3 quận: Q.3, Q.Phú Nhuận và Q.Tân Bình. Bắt đầu từ cây cầu Lê Văn Sỹ, cuộc sống điển hình của Sài Gòn tấp nập cứ thế mà chạy mãi xuống, đụng tới đường Hoàng Văn Thụ thì hòa vào dòng xe để ngả về phía sân bay, hay ngả về phía Q.11.

1.jpg
2.jpg

Con đường khá dài này, vừa có khách sạn 5 sao ngay phía tay trái dưới chân cầu xuống chừng 50m, đối diện đó là chợ, vừa có đường ray xe lửa vắt ngang. Vì vậy mà phố vô cùng “đa phong cách”. Chuyện kẹt xe tạm thời có thể xuất hiện chẳng vì giờ cao điểm, mà chỉ do giờ đó tàu chạy xình xịch đi qua.

Cảm xúc của Nguyễn Hải Phong, từ đường Lê Văn Sỹ được “trôi” ra tới tận kênh Nhiêu Lộc, thường được người dân gọi là bờ kè. Năm 2008, Phong đã chọn một căn nhà nằm trong hẻm đường Lê Văn Sỹ, ngay sát “kênh nước đen” này, làm nơi mở phòng thu và công ty. Anh trai của Phong nhà ngay sát vách, sống tại nơi này đã hơn 20 năm. Lúc Phong mới chuyển về, bờ kè đang ngổn ngang vì người ta nạo nét bùn dưới kênh. Đường xá, hẻm hóc đã nhỏ hẹp rồi, lại còn bốc mùi hôi phát sợ. Vậy nhưng người dân vẫn sinh sống bình thường. Quán nhậu vẫn đông khách, xe hủ tiếu vẫn tấp nập người ăn. Tên đường ngày đó chưa được gọi là Trường Sa hay Hoàng Sa như bây giờ, chỉ đơn giản là Bờ Kè.

Phong kể: “Ngày trước tôi hay tụ tập hàng quán đêm quanh khu vực này và nghe rất nhiều câu chuyện thú vị ở đây. Nếu gọi đó là văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn cũng chẳng ngoa. Hủ tiếu đêm và sinh tố trái cây đối diện chợ Nguyễn Văn Trỗi, cơm tấm cà phê đêm góc ngã tư Trần Huy Liệu và ga xe lửa. Quán nhậu vỉa hè chạy dọc ở bờ kè, nơi mà bạn chưa kịp dừng xe thì nhân viên đã chặn lại và có khi còn… ôm cả người đi đường để mời vào quán!”. 

“Hẻm người nổi tiếng”

Nói về hẻm trên đường Lê Văn Sỹ, nơi có phòng thu của Nguyễn Hải Phong, bà con xung quanh đó đều gọi là “hẻm người nổi tiếng”. Nhà có 2 phòng thu âm, phòng làm phim và các phòng làm việc khác nên các ca sỹ, diễn viên tới cộng tác thường xuyên. Ban đầu, mọi người còn tò mò, riết rồi quen, hỏi hẻm người nổi tiếng là chỉ ngay tắp lự.

8.JPG
9.JPG

Nguyễn Hải Phong cho rằng mình rất có duyên với những địa điểm cạnh sông nước kênh rạch. Thời còn đi học ở cạnh sông Sài Gòn, khi đã có chút danh tiếng và thành công, thì ở cạnh kênh Nhiêu Lộc. Phong khoe còn có căn nhà ở Q.7 cũng kế bên con sông nhỏ. Chỗ ở hiện tại của 2 vợ chồng Phong cùng cậu con trai 3 tuổi ở Q.1 mà nhìn ngay xuống dòng kênh. Nhưng với riêng đường Lê Văn Sỹ thì thời gian gắn bó đủ lâu, để yêu thương và đôi khi hờn giận, để trân trọng và nâng niu như người yêu khi tuổi đã trưởng thành. “Mọi ngóc ngách trên con đường này, với tôi, đều là kỷ niệm”, Phong giải thích. Cậu nhóc 3 tuổi, con trai của Phong, rất mê nhạc, ngày nào cũng cùng ba mẹ tới công ty, lớn lên cũng ở khu vực này cho tiện việc học tập. “Có lẽ tôi còn quanh quẩn ở đây rất lâu nữa!”. 

Những người mới biết trên con phố dần dần trở nên quen thuộc với chàng nghệ sĩ trẻ này. Sáng đi tập thể dục chạy dọc phố, chiều về uống cà phê ngay đầu hẻm và tối tối thầy trò gặp nhau, đàn hát vang khắp xóm. Con đường Lê Văn Sỹ, nơi có những cửa hiệu mặt tiền lộng lẫy sáng choang, nhưng cũng còn nhiều “Góc tối” để người trẻ chiêm nghiệm và ước mong bình yên sống: Cho tôi đêm nay thôi không lạnh lùng/Cho tôi cơn say yêu thương tận cùng/Cho tôi nơi đây là nhà/Cho tôi từng ngày trôi qua…

4.jpg
7.JPG
“Tôi là người miền Trung. Những ngày đầu bước chân vào Sài Gòn rất bỡ ngỡ. Cái gì cũng nhanh, cái gì cũng đơn giản, giản dị. Đây là vùng đất rất khó sống mà cũng rất dễ sống. Nếu không chịu khó, chịu vất vả thì chắc chắn không theo nổi nhịp sống ở đây. Còn nếu siêng năng, nhanh nhẹn thì sẽ yêu thích Sài Gòn. Con người ở đây không quan trọng chuyện sĩ diện, luôn thẳng thắn thật thà, dễ bày tỏ, dễ kết thân, không cầu kỳ, không giấu diếm, cũng không quan tâm quá sâu vào đời tư người khác. Tôi làm quen được với sự nhộn nhịp, ồn ào của Sài Gòn, coi những âm thanh ấy trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của mình”.

Guide "bỏ túi"

* Đường Lê Văn Sỹ bắt đầu từ cầu Lê Văn Sỹ, chạy qua 3 quận: Q.3; Q.Phú Nhuận và Q.Tân Bình. Các con hẻm trên đường ăn thông ra các đường kênh Nhiêu Lộc, còn gọi là Bờ Kè, nên lưu lượng xe hàng ngày khá đông

* Nếu con đường huyết mạch ra sân bay Tân Sơn Nhất - đường Nguyễn Văn Trỗi bị kẹt thì du khách có thể di chuyển trên đường Lê Văn Sỹ để không bị trễ chuyến bay.

* Các quán ăn kiểu Bắc, phía cuối đường Lê Văn Sỹ, giáp ngã 4 Phạm Văn Hai - Lê Văn Sỹ tập trung khá đông. Những món nổi tiếng có thể kể: cháo lòng, bún chả, bê tái chanh…

* Nhạc sĩ - ca sĩ Nguyễn Hải Phong sinh năm 1982 tại Huế, tốt nghiệp trường ĐH Văn hóa TPHCM và sớm có tác phẩm đoạt giải trong các chương trình: Làn sóng xanh, Bài hát Việt. Những bài hát tiêu biểu của Nguyễn Hải Phong: Đôi giày vải, Cứ ngủ say, Đôi mắt, Góc tối, Dòng thời gian, Tan biến, Bay, Thức tỉnh… Hiện Nguyễn Hải Phong có công ty riêng, chuyên sản xuất và phát hành các sản phẩm âm nhạc. Đồng thời giúp đỡ các ca sĩ trẻ thành lập nhóm nhạc và ra mắt album. Anh cũng đang gây chú ý khi tham gia huấn luyện viên cho chương trình "Sing my song" (Bài hát hay nhất).


 * Đón đọc bài tiếp theo:
Nhà văn Dương Thụy nơi góc phố hoa lệ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm