Nhạc sĩ Lê Mây giật giải với ca khúc 'Hoa cúc rừng lại nở'

02/09/2018 - 08:01
Ở tuổi 76, nhạc sĩ Lê Mây chọn cho mình một không gian xanh thoáng mát ở làng quê ngoại thành Hà Nội làm nơi sáng tác lý tưởng.
Sống ở làng, càng sáng tác khỏe
 
Đó là nơi mà thời gian qua, rất nhiều ca khúc mới của ông đã ra đời, trong niềm vui hàng ngày là việc chăm vườn cây, ao cá, đàn gà và một vài con chim nhỏ. Những công việc đơn giản đó đã góp phần đem lại sự thăng hoa trong những sáng tác.
 
Nhạc sĩ Lê Mây kể: “Từ khi còn ở trên phố, tôi đã muốn tìm cho mình một không gian xanh để vui với công việc của nhà nông và có thêm thời gian thời gian cùng sự thảnh thơi cho những tác phẩm sắp tới. Mình cũng xuất thân từ làng quê mà!”.
 
Điều thú vị ở nhạc sĩ Lê Mây là mặc dù không được đào tạo chính quy chuyên ngành sáng tác âm nhạc nhưng tài năng và những kinh nghiệm tích lũy trong hoạt động nghệ thuật của ông đã cho ra đời rất nhiều ca khúc chuyên nghiệp, được sử dụng ở các kỳ liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp.
 
Nhiều ca khúc được sử dụng trong các buổi lễ kỷ niệm, các chương trình chào mừng của các đoàn nghệ thuật, các cơ quan tổ chức của trung ương và địa phương. Nhiều tác phẩm được phát trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam. Mới đây, Hội âm nhạc Hà Nội và huyện Ba Vì đã tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc, và tác phẩm của nhạc sĩ Lê Mây đã được trao giải.
 
tr13-nhac-si-le-may.jpg
Nhạc sĩ Lê Mây (phải) thể hiện một ca khúc mới của mình
Ở tuổi 76, Lê Mây vẫn hăng say sáng tác. Những năm gần đây, ông đã cho ra đời một số ca khúc về đề tài người lính, về biển đảo, kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Đó là chùm ca khúc trong chuyến đi thực tế sáng tác về ngành hậu cần quân đội.
 
Cùng với ca khúc “Hoa cúc rừng lại nở” - phổ thơ Hồ Phong Tư, là một trong những bài hát ông vừa được trao giải về đề tài thương binh liệt sỹ của tỉnh Hà Tĩnh. Ông viết bài này đầu tháng 6, rất nhanh, khi nắm được ý của tác giả thơ gửi gắm. Hình ảnh hoa cúc vàng lại nở bên rừng cỏ xanh, với những lối đi về được dẫn đường bằng chân nhang kết lại bài hát đầy xúc động.
 
Cuộc sống bình dị
 
Công chúng từng nghe các bài hát “Hà Nội linh thiêng hào hoa”, “Trăng về phố”, “Bắc Ninh - Kinh Bắc” và nhiều những bài hát mang đậm chất liệu dân gian đồng bằng Bắc bộ. Bên cạnh đó, Lê Mây cũng có nhiều bài hát mang âm hưởng của núi rừng với những biến hóa tinh tế từ những làn điệu vùng núi phía Bắc, những bài như “Đêm rừng chung chiêng”, “Ú ủ la hay”.
 
Đồng nghiệp, bạn bè thêm trân trọng nhạc sĩ khi biết ông vốn là một nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc, được đào tạo và tốt nghiệp ở trường âm nhạc Việt Nam. Khi tốt nghiệp, Lê Mây có một thời gian công tác tại đoàn văn công Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái.
 
Những chuyến đi biểu diễn phục vụ bà con ở các bản làng của vùng núi Tây Bắc là những kỷ niệm đẹp đối với nhạc sĩ. Những phong tục tập quán, những làn điệu dân ca đã ăn sâu vào tâm trí của Lê Mây, khiến ông như một người con của núi rừng. Nhờ đó, Lê Mây có được những sáng tác mang âm hưởng của vùng núi Tây Bắc.
 
Nhạc sĩ Lê Mây kể: “Sau thời gian dài làm nhạc công ở Yên Bái, tôi được chuyển về Hà Nội, làm việc ở Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Những năm tháng làm nghệ sĩ chơi nhạc, tôi cùng các đồng nghiệp đã tấu lên rất nhiều các bản nhạc mang âm hưởng dân ca của ba miền. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các ca khúc của tôi”.
 
Là hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam, hội viên hội âm nhạc Hà Nội, Lê Mây luôn được các nghệ sĩ, nhạc sĩ yêu mến. Bởi không chỉ có tác phẩm hay mà cuộc sống của ông cũng bình dị, hồn nhiên như câu hát, lời ru, đem lại không khí thoải mái khi giao tiếp với mọi người. Một phần bởi thế, trong các cuộc vận động sáng tác, các trại viết hay chuyến đi thực tế, ông vẫn thường xuyên được mời tham gia. Có ông, không khí sinh hoạt nghề nghiệp, giao lưu văn nghệ thêm sôi nổi.
 
Nhạc sĩ Lê Mây sinh ra và lớn lên nơi làng quê huyện Phù Cừ, Hưng Yên. làng Cao Trung, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội là nơi lý tưởng ông tìm được. Ông bộc bạch: “Về làng ở được khoảng 8 năm nay nhưng được bà con trong làng rất quý mến, cứ như là tôi sinh ra từ làng này vậy. Bạn xa, bạn gần đến đầu làng hỏi thăm vào nhà tôi hầu như ai cũng biết”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm