Nhạc sĩ Thao Giang: Xẩm phát triển từ tình yêu hồn nhiên của người trẻ

23/11/2019 - 08:01
‘Các CLB yêu thích và sinh hoạt nghệ thuật hát xẩm đều trên tinh thần tự phát, không ai tác động vào. Tức là họ yêu thích thật, một cách tự nhiên. Sự yêu thích này vì thế sẽ bền lâu’, nhạc sĩ Thao Giang nói.

Một trong những vấn đề lo ngại mà các môn nghệ thuật dân gian, trong đó có hát Xẩm gặp phải là công tác đào tạo nghệ sĩ và giới nghiên cứu lý luận một cách bài bản để có thể bảo tồn, phát huy vốn quý dân tộc đúng hướng bên cạnh dòng chảy di sản phát triển tự phát trong công chúng.

PNVN đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Thao Giang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, đồng thời là Trưởng BGK Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc về vấn đề này. Ông cho hay, trong sự nỗ lực và vượt khó, đã có những lớp cử nhân và nghiên cứu sinh về Xẩm ra đời, đó một tín hiệu rất đáng mừng.

Nhạc sĩ Thao Giang

 

Nên khuyến khích giới trẻ đến với nghệ thuật Xẩm

Nhạc sĩ đánh giá thế nào về các CLB tham dự Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc sắp diễn ra tại Ninh Bình?

Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc sẽ diễn ra tại Ninh Bình từ ngày 3 đến 5/12/2019. Hiện tại, tôi chưa được tiếp cận các CLB Liên hoan. Tuy nhiên, theo thông báo của Ban tổ chức thì chủ yếu là người trẻ. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng. Nếu như bảo tồn nghệ thuật truyền thống chỉ dựa vào những người tuổi đã cao thì sẽ thất bại. Bài học từ Ca trù cho thấy rất rõ - thế giới họ lo thay cho chúng ta nên phải sử dụng cụm từ “di sản phải bảo vệ khẩn cấp”. Từ yếu tố trẻ của Liên hoan, dù là ít hay nhiều CLB, chúng tôi tin tưởng vào bước đi của Xẩm trong tương lai với thế hệ kế cận, có thể gửi gắm vào họ, để di sản Xẩm có sức sống bền lâu trong lòng dân tộc.

Vậy, tiêu chí để chấm giải sẽ như thế nào thưa nhạc sĩ?

Liên hoan lần này cũng chỉ nên hiểu là liên hoan quần chúng. Các CLB cũng mới chỉ học được vài làn điệu, mà việc biểu diễn còn lai tạp nhiều bộ môn khác nên chưa ăn thua gì đâu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đưa ra một số tiêu chí để vừa làm cơ sở đánh giá, vừa khích lệ các CLB để họ có thêm động lực và say mê với di sản. Trong đó có phương pháp hát, chơi nhạc cụ, lựa chọn yếu tố văn học để biểu diễn.

Không lo thất truyền Xẩm

Hiện có nhiều trường phái Xẩm với bạn trẻ tự phát, nhạc sĩ có thấy đó là một điều đáng lo?

Theo tôi, điều đó vừa lo, vừa không đáng lo. Lo vì chúng ta chưa tìm ra được tính hệ thống, quy luật của loại hình này. Chúng tôi mới bắt đầu khởi động hoạt động lại công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật xẩm từ năm 2005, mới chỉ có hơn 10 năm. Mà đối với một loại hình nghệ thuật, như vậy vẫn là quá ít thời gian để có thể đưa ra những tổng kết mang tính công bố khoa học. Trong khi đó, tài liệu các thế hệ trước để lại liên quan đến hát Xẩm không đáng kể. Nếu không thực sự nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn thì chúng ta sẽ không có ngày hôm nay, với sự lan tỏa mạnh mẽ tình yêu Xẩm. Đương nhiên, cũng không thể có Liên hoan Xẩm.

Việc đưa ra hệ thống nghiên cứu lý luận, quy luật khoa học là câu chuyện về lâu dài. Nhưng, điều không đáng lo là các CLB yêu thích và sinh hoạt nghệ thuật hát xẩm đều trên tinh thần tự phát, không ai tác động vào. Tức là họ yêu thích thật, một cách tự nhiên. Sự yêu thích này vì thế sẽ bền lâu. Khi có cơ hội, chúng ta sẽ truyền tải, phổ cập những kiến thức về xẩm để định hướng. Tôi tin là dễ thôi.

Nhạc sĩ Thao Giang cùng các nghệ sĩ hát Xẩm trẻ 

 

 Thế hệ của nhạc sĩ, bằng kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế đang dần vắng bóng. Ông có sợ lớp kế cận phát triển tình yêu Xẩm tự phát, không có sự hướng dẫn đáng kể đễ đi sai đường và trở thành vết tích của lịch sử gây hiện tượng biến dạng di sản?

Điều lo lắng ấy là đúng với tất cả chúng ta, giới nhiên cứu và cả những người yêu xẩm. Vì thế, năm 2010, chúng tôi có xin phép Bộ VHTT&DL và Bộ GD&ĐT mở chuyên ngành đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ về nghệ thuật dân gian, trong đó có hát Xẩm. Lứa đầu tiên của chuyên ngành đã tốt nghiệp những cử nhân và sau đại học về hát Xẩm. Như vậy, bên cạnh các nghệ nhân dân gian, những người yêu thích Xẩm từ quần chúng thì nhóm cử nhân và nghiên cứu sinh nghệ thuật này chính là câu trả lời cho những lo lắng bạn đề cập mà chúng tôi đã âm thầm gây dựng.

Chúng ta có nhiều nghệ sĩ lớn, được đào tạo bài bản, được các cụ chỉ dạy, có tài năng và kinh nghiệm như NSND Thanh Ngoan, NSND Thúy Ngần, NSƯT Văn Ty đang thực hành, nghiên cứu và bảo tồn vốn quý Xẩm. Họ đã và chắc chắn sẽ là những người truyền lửa, truyền vẻ đẹp của xẩm tới thế hệ sau bằng tình yêu nghệ thuật dân gian đã trở thành một phần máu thịt bằng phương pháp cầm tay chỉ việc mà chúng tôi gọi là phương pháp dân tộc nhạc học bên cạnh việc đào tạo chính quy, chuyên nghiệp. Phương pháp nghiên cứu ứng dụng này vừa giúp học viên nghiên cứu và có thể thực hành được. Ví dụ, khi dạy điệu Thập ân, người học vừa phân tích được thể điệu, biết bối cảnh ra đời, môi trường diễn xướng, về tính chất âm nhạc, vừa thực hành được ca hát…

Năm nay, khoa Di sản âm nhạc của Nhạc viện Huế không kịp tuyển sinh chuyên ngành Xẩm vì nhiều lý do. Câu chuyện tuyển sinh gặp khó khăn có phải bởi nghệ sĩ Xẩm khi đào tạo xong không có môi trường diễn xướng, hoạt động nghề như các bộ môn khác?

Tôi thấy đây là khó khăn chung của các loại hình âm nhạc dân tộc chứ không chỉ có Xẩm. Nhưng, chúng ta phải lạc quan. Nếu nhìn vào lịch sử, đã có thời điểm Hát văn gặp phải những trở ngại. Nhưng hiện nay, di sản này thực sự phát triển rộng khắp, có môi trường diễn xướng, trở thành món ăn tinh thần của nhiều tầng lớp quần chúng, đồng thời, trở thành lựa chọn, biểu diễn trong nhiều chương trình lớn. Đời sống của các nghệ sĩ Hát văn cũng không hề kém.

Với Xẩm, môi trường diễn xướng còn rộng hơn, tiếp cận nhiều tầng lớp công chúng hơn. Nội dung của các bài Xẩm cũng phong phú, thể hiện được nhiều vấn đề của xã hội, góc cạnh tâm hồn người Việt. Vì thế, nó có sức lan tỏa nhanh, dễ được yêu thích. Trong vài năm gần đây, Xẩm đã được nhiều tài năng lựa chọn để tham gia các sân chơi nghệ thuật lớn trên sóng truyền hình, lan tỏa đến sân khấu Chèo, Tuồng, Cải lương hay Kịch và được đón nhận, tán thưởng. Nếu chúng ta đầu tư bài bản, đưa được yếu tố mới, tinh thần thời đại vào không gian Xẩm, tôi tin rằng câu chuyện tuyển sinh nghệ sĩ Xẩm chuyên nghiệp không khó.

Xin cảm ơn nhạc sĩ! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm