Thưa nhạc sĩ Vĩnh Cát, tên tuổi của ông đã gắn với những tác phẩm khí nhạc, sao ông không thực hiện chương trình gồm những bản giao hưởng mà là những ca khúc do mình sáng tác?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Tôi đã 85 tuổi, là thời điểm muốn ghi dấu ấn trong lòng đông đảo công chúng Việt Nam, với bạn bè về một nhạc sĩ tuổi cao nhưng vẫn yêu đời và vẫn… chịu chơi. Chương trình lại có VTC3 truyền hình trực tiếp và phát sóng lâu dài để công chúng thưởng thức nữa. Nhưng để làm được phải có sự đồng thuật rất cao của gia đình và sự giúp sức của bè bạn.
Tại sao ông lấy tên đêm nhạc của mình là “Ngôi sao Hà Nội”?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Ngôi sao Hà Nội là một trong số bài hát nổi tiếng của tôi đến giờ còn nhiều người hát, nhiều người thuộc. Tôi thích hình ảnh ngôi sao không tên trong bài hát. Cuộc đời con người không tránh khỏi ghanh ghét, đố kị và để sống được thanh thản, an bình, nhất là tuổi già như tôi thì có lẽ chỉ nên làm một ngôi sao không tên.
Hát trong đêm nhạc của ông là những tên tuổi lớn như NSND Quang Thọ, Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh… và cả những gương mặt trẻ như Tùng Dương, Phạm Phương Thảo, Đinh Trang… Ông có thể chia sẻ đôi chút về sự lựa chọn của mình?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Họ đều là những ca sĩ hàng đầu Việt Nam, cả thế hệ trước và thế hệ bây giờ. Tôi muốn tạo nên sự nối tiếp thế hệ. Tôi tin tưởng những ca sĩ trẻ tài năng sẽ thể hiện hiệu quả ca khúc của mình.
Đâu là điểm nhấn trong đêm nhạc của ông?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Tôi bàn kỹ với nhạc sĩ Trọng Đài để chọn ra trong số hàng trăm bài hát tôi viết từ hơn 70 năm qua và quyết định sẽ không chỉ chọn tình ca. Đêm nhạc của tôi sẽ gồm cả tình khúc, ca khúc trữ tình ca ngợi quê hương đất nước, ca khúc mang tính chiến đấu và cả chính ca. Thế mới là tôi.
Tại sao nhạc sĩ lại đưa yếu tố chính trị vào liveshow cá nhân của mình?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Tôi và các nhạc sĩ biên tập chương trình cũng đã bàn mãi, nhất là việc kết thúc chương trình bằng ca khúc Muôn năm đất nước Việt Nam. Một liveshow phục vụ đông đảo khán giả chủ yếu thích nghe tình khúc mà mình khép lại kết thúc bằng ca khúc chính trị thì có lạc đề không, người ta có thích không? Nhưng tôi nghĩ, dù chúng ta có làm gì, đi đâu thì vẫn phải nhớ mình là công dân đất nước Việt Nam, phải nhớ việc xây dựng bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước hùng cường vững bền.
Được biết, ông tự bỏ tiền ra thực hiện đêm nhạc của mình?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Có người bạn hỏi tôi lấy đâu ra tiền mà làm chương trình hoành tráng này, ai là nhà tài trợ… Tôi phải nói thật, chả có ai. Đầu tiên tôi cũng muốn đi xin tài trợ. Tiền mình về hưu có bao nhiêu đâu. Nhưng người ta hứa hẹn, đến cuối cùng lại lý do này kia, lắc đầu. Dự án của mình đã bàn bạc rồi, lên phương án rồi, chẳng lẽ lại thôi. Như thế không đúng tinh thần con người… chịu chơi của tôi! Nên dù mất ô tô hạng sang, căn nhà hạng nhỏ, thì cứ chịu chơi, cống hiến hết mình.
85 tuổi nhưng ông khiến người ta có cảm giác như ông chỉ mới hơn 60. Đâu là bí quyết của ông vậy?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: Đó là điều may mắn cho tôi. Tôi cố gắng sống thanh thản, yên bình, không màng tranh giành danh lợi địa vị gì cả. Tôi luôn cảm thấy có sức sống tươi mát, chìm vào trong công việc, trong sáng tạo nghệ thuật. Điều đó làm cho mình khỏe hơn. Mỗi năm tôi cũng cấp cứu mấy lần, nhưng sau mỗi lần như thế lại làm việc. Nhưng giờ tôi không làm việc được nhiều nữa. Cứ đọc sách một lúc mắt nhòa, thỉnh thoảng có cơn ho, khó thở. Gần đây tôi ít sáng tác, kể cả ca khúc và khí nhạc. Thỉnh thoảng vui vui phịa ra hát cho cháu nghe, ghi lại cũng có thể gọi là bài hát. Nhưng với tôi đó là trò chơi, không phải tác phẩm âm nhạc.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934, nguyên quán làng Đào Xá, Ân Thi, Hưng Yên, sống ở Hà Nội từ nhỏ cùng gia đình. Ông là một trong số ít nhạc sĩ viết hay cả ca khúc và nhạc thính phòng giao hưởng và một trong số nhà soạn nhạc giao hưởng hàng đầu ở Việt Nam. Ông đã hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học tại Liên Xô (cũ) và trở về Việt Nam làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia hiện nay. Tiếp đó, ông là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội. Nhạc sĩ Vĩnh Cát đã được nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991. Nhạc sĩ Vĩnh Cát tham gia kháng chiến chống Pháp và sáng tác âm nhạc từ rất sớm ở tuổi 13, 14 khi là diễn viên đoàn “Thiếu nhi nghệ thuật” do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách. Cũng từ chiếc nôi nghệ thuật ấy, ông đã sáng tác những ca khúc đầu tay: Nhớ Bác Hồ, Việt Bắc, Gửi bạn Thủ đô… Những bài hát đó đã vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ Thủ đô kháng chiến. Năm 1956, ông trúng tuyển khoa sáng tác đầu tiên trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1958 ông viết tác phẩm Tiếng võng ru cho piano rồi tổ khúc giao hưởng kịch múa Hái hoa dâng Bác. Đây chính là tác phẩm giao hưởng đầu tiên của Việt Nam được Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cùng Trường Múa Việt Nam biểu diễn mừng sinh nhật Bác lần thứ 70 (19/05/1960). Vĩnh Cát cũng là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có những đêm nhạc giao hưởng của một tác giả Việt Nam và có CD nhạc giao hưởng bán trên thị trường. Khí nhạc là niềm đam mê lớn nhất cuộc đời nhạc sĩ Vĩnh Cát, nhưng đông đảo khán giả lại biết đến ông qua những ca khúc để đời như: Sa Pa thành phố trong sương, Vườn nhãn quê hương, Ngôi sao Hà Nội… |