pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân vật phim "Những đứa trẻ trong sương": "Lúc đó, em chỉ nghĩ mình phải đi học"
Má Thị Di
Còn nhiều phụ nữ vùng cao bị bạo lực gia đình và bị lừa bán
Má Thị Di là người dân tộc Mông, sinh năm 2004. Năm 15 tuổi, em kiên quyết chống lại tục lệ "kéo vợ" của dân tộc mình. Nhờ sự ủng hộ của mẹ đẻ, Di đã tránh được cuộc sống làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.
Câu chuyện của Di về hành trình trưởng thành và đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời mình đã được phản ánh thú vị, sinh động và chân thực trong bộ phim Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ người Tày, Hà Lệ Diễm. Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới, phim cũng lọt vào shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars, hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất". Năm 2023, bộ phim đạt giải thưởng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất trong hạng mục "Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á".
Nói về quyết định "không giống ai" của mình ở tuổi 14-15, không như các bạn gái Mông khác đều đã lấy chồng, ngược lại Di còn chống lại người đã "kéo" Di về làm vợ, Má Thị Di chia sẻ: "Lúc đó, em không nghĩ gì nhiều, chỉ biết còn phải đi học. Hơn nữa mình còn nhỏ, ở nhà với bố mẹ còn chưa biết làm việc gì, chưa giúp được bố mẹ, nếu phải đi lấy chồng làm sao gánh vác được việc nhà chồng".
Giống như những phụ nữ Mông khác, Châu Thị Say (sinh năm 1982), mẹ đẻ của Má Thị Di cũng đã trải qua hôn nhân theo truyền thống của dân tộc mình. Trong câu chuyện của Di, với vai trò một người mẹ, để bảo vệ tương lai và hạnh phúc của con gái, bà đã trải qua sự đấu tranh tâm lý, giằng xé về nội tâm giữa việc nên theo tục lệ xưa nay của dân tộc mình hay tôn trọng quyết định và hạnh phúc của con trẻ. "Em thương mẹ lắm! Và em cảm ơn mẹ vì mẹ đã dũng cảm ủng hộ quyết định của em" - Di chia sẻ.
Má Thị Di chia sẻ một thực tế đáng buồn là vẫn còn nhiều phụ nữ vùng cao bị bạo lực gia đình và bị lừa bán. "Ở chỗ em còn nhiều phụ nữ và con gái bị lừa bán. Nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình và bị chồng đánh, họ bỏ đi Trung Quốc; các bạn nữ trẻ bị bạn trai lừa đi", Di kể.
Theo Di, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng cao còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều phụ nữ chưa được bảo vệ, chưa thực hiện được ước mơ của mình, vẫn còn những em nhỏ chưa được đến trường. Nhiều bạn nữ bằng tuổi Di bị bắt đi lấy chồng, không được đi học và phải sống dưới sự quản lý của bố mẹ."
Ước mơ mở homestay tại quê nhà
Giờ đây, Di đã lấy chồng. Chồng Di tên Bình, đã học hết đại học. Sau khi quen nhau được ba tháng, cảm thấy Bình là người chín chắn, có thể lo cho gia đình nên Di chọn.
"Em và anh Bình yêu nhau và tự lấy, không kéo, nên hàng xóm chỉ trích em rất nhiều. Họ nói em không nghe lời mẹ, lúc bị kéo thì cứng đầu, không theo phong tục truyền thống. Còn lúc lấy chồng thì cũng lại không theo phong tục kéo vợ. Em đã từng cảm thấy suy sụp nên em rất ít về nhà mẹ, vì về nhà mẹ thì nghe mọi người nói nhiều về chuyện này" - Di tâm sự.
Vì vậy, nhà chồng chỉ cách nhà mẹ đẻ có hơn 2km, nhưng phải tới khi có con 4 tháng rồi Di mới về nhà mẹ đẻ, vì em sợ về lại nghe mọi người nói là không tôn trọng tục kéo, tự theo chồng.
Sau khi từ chối bị kéo về làm vợ, Má Thị Di tiếp tục học và trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ vùng cao. Di mơ ước sẽ mở homestay tại quê hương Sapa, tạo nhiều việc làm cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao để họ có thu nhập, chủ động cuộc sống, không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình.
"Cuộc sống của phụ nữ vùng cao cũng đang có nhiều thay đổi hơn, nhiều người làm hướng dẫn viên, mở homestay giao tiếp với du khách, học tiếng Anh và mở các lớp dạy tiếng Anh, cũng có nhiều người dũng cảm đi ra ngoài trải nghiệm cuộc sống xã hội" - Di chia sẻ.