pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhập viện cấp cứu vì giảm cân bằng đậu đen
Chị Nguyễn Diệu Huyền (31 tuổi) được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện trong trạng thái chóng mặt, choáng váng, buồn nôn. Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết chị bị hạ huyết áp xuống mức nguy hiểm.
"Bác sĩ nói tôi bị hạ huyết áp, tôi không tin vì lâu nay tôi không có bệnh về huyết áp. Tuy nhiên, mấy tháng nay tôi ăn chế độ giảm cân, chủ yếu là uống nước đậu đen và ăn đậu đen thay cơm. Chế độ giảm cân này tôi học ở chị em cùng cơ quan, có người còn nói ăn nhiều đậu đen sẽ giảm calo. Mặc dù người có hơi mệt nhưng tôi vẫn hoạt động và làm việc bình thường. Số cân tuy chưa giảm được nhiều nhưng tôi thấy dùng đậu đen rất khả quan cho việc giảm cân nhưng bác sĩ lại khuyến cáo nên dừng chế độ ăn này", chị Huyền chia sẻ.
Theo GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đậu đen là thực phẩm giàu đạm thực vật. Chế độ ăn giảm cân chỉ uống nước đậu đen và ăn đậu đen thay cơm là một dạng sử dụng chế độ "low carb" (chế độ ăn uống ít đường và tinh bột) sử dụng protein thực vật. Sử dụng vài tháng sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết, gây nên chóng mặt, choáng váng, buồn nôn.
Đối với trường hợp của chị Huyền, cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Mỗi bữa ăn cần có 4 nhóm thực phẩm: ngũ cốc, thực phẩm giàu đạm, thực phẩm cung cấp chất béo, rau và quả chín. "Chị nên tham khảo tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành trong trang http://viendinhduong.vn/ để ước tính lượng thực phẩm phù hợp. Trong trường hợp muốn giảm cân nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn và hoạt động thể lực phù hợp. Nên thay thế gạo trắng bằng gạo lứt hoặc gạo lật nảy mầm, loại gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn gạo trắng và gạo lứt thông thường. Ăn nhiều vào bữa sáng và giảm vào bữa tối, không nên nhịn ăn hoặc không ăn tinh bột, tăng cường hoạt động thể lực hàng ngày", bác sĩ Lê Danh Tuyên cho biết.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước đậu đen là một loại nước uống dinh dưỡng nhưng khi dùng cần lưu ý. Không thể dùng loại nước này để thay thế cho nước uống hàng ngày bởi sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu các chất trong cơ thể. Bên cạnh đó, đậu đen thuộc nhóm thực phẩm có chứa nhiều phytat. Chất này gây cản trở việc hấp thu của các khoáng chất như sắt, kẽm, đồng, phốt pho... Nếu cơ thể kém hấp thu các vi chất trên sẽ dẫn tới thiếu máu, loãng xương. Phytat nhiều có thể ức chế một số enzyme tiêu hóa.
Người mắc bệnh viêm đại tràng, người tùy vị hư, người đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy, tiêu hóa kém thì không nên dùng đậu đen. Những người có cơ thể hàn lạnh, những người có các biểu hiện về sức khỏe như mệt mỏi, tứ chi lạnh, đi ngoài phân lỏng hay tiêu chảy thì không nên dùng đậu đen. Người đang trong quá trình sử dụng nhiều loại thuốc, khi ăn đậu đen có thể làm các thành phần trong đậu phản ứng với các thành phần của thuốc làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh.
Không nên kết hợp đậu đen với rau bina, sữa, đậu thầu dầu, ngũ sâm... Theo các chuyên gia, nên dùng nước đậu đen như một thứ nước uống thưởng thức. Đối với người khỏe mạnh, không có bệnh lý như kể trên thì ngày uống 1 ly là đủ. Người có bệnh lý tiêu hóa chỉ nên dùng 1-2 cốc/tuần.