Nhật Bản có môn học mới kết hợp lịch sử quốc gia và thế giới

Kim Ngọc
22/04/2022 - 19:11
Nhật Bản có môn học mới kết hợp lịch sử quốc gia và thế giới

Theo chiều kim đồng hồ, sách giáo khoa trung học mới về địa lý, công dân và lịch sử hiện đại và đương đại. Ảnh: Jiji.

Bắt đầu từ tháng 4 năm 2022, các trường trung học trên khắp Nhật Bản đã giới thiệu một môn học bắt buộc mới, kết hợp lịch sử Nhật Bản và thế giới, thay đổi cơ bản cách dạy cả hai môn học.

Chương trình cơ bản cho bậc tiểu học và trung học Nhật Bản đã được giới thiệu trong một bộ hướng dẫn do Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) soạn thảo. Theo hướng dẫn cũ, với các môn xã hội bậc trung học, chỉ có hai môn học bắt buộc là lịch sử thế giới và xã hội đương đại. Trong các hướng dẫn mới nhất, chúng được thay thế bằng ba môn học bắt buộc mới: Lịch sử hiện đại và đương đại, địa lý và công dân. Theo đó, ba môn học mới được thiết kế nhằm trau dồi sự hiểu biết cân bằng về Nhật Bản và thế giới từ góc độ thời gian, không gian và xã hội, Nippon đưa tin hôm 14/4.

Như được mô tả trong hướng dẫn chương trình giảng dạy của MEXT, môn lịch sử hiện đại và đương đại đề cập đến lịch sử hiện đại của thế giới và Nhật Bản, từ thế kỷ thứ 18 đến nay. Mục đích là để học sinh có được "khả năng nắm bắt sâu rộng và tương tác", đồng thời phát triển các năng lực như khả năng hiểu lịch sử, khả năng điều tra và tổng hợp thông tin lịch sử thuộc nhiều loại khác nhau, năng lực xem xét, giải thích và thảo luận về bản chất và ý nghĩa của các hiện tượng lịch sử từ nhiều góc độ khác nhau, quan tâm đến việc điều tra các hiện tượng lịch sử nhằm cải thiện xã hội, và ý thức về bản sắc Nhật Bản, tình yêu lịch sử Nhật Bản, và nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng các quốc gia khác và nền văn hóa.

Chương trình giảng dạy lịch sử mới mang tính đột phá trên hai khía cạnh. Trước hết, nó đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống giáo dục trung học công lập của Nhật Bản (được thành lập vào nửa sau thế kỷ XIX) chính thức được kết hợp lịch sử Nhật Bản và thế giới trong một môn học. Thứ hai, nó thể hiện sự thay đổi từ giáo dục dựa trên nội dung tập trung vào học thuộc lòng sang học tập dựa trên năng lực tập trung vào việc trau dồi các kỹ năng và đặc tính.

Nhật Bản có môn học mới kết hợp lịch sử quốc gia và thế giới  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Từ hai môn học tách rời…

Việc coi lịch sử Nhật Bản là tách rời và khác biệt với lịch sử thế giới bắt nguồn từ thời Minh Trị (1868-1912). Môn Lịch sử Nhật Bản được giảng dạy chính trong các lớp tiểu học. Trong khi đó, Lịch sử thế giới được giảng dạy chủ yếu ở các lớp cao hơn và ban đầu tập trung vào thế giới phương Tây như là trung tâm của "nền văn minh và khai sáng". Năm 1902, sau Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất (1894–95), Bộ Giáo dục đã bổ sung một phần về phương Đông riêng biệt vào chương trình lịch sử thế giới ở bậc trung học cơ sở, với lý do học sinh cần tìm hiểu về các nước Châu Á dựa trên lịch sử xa xưa.

Thông thường, các trường cho học sinh chọn giữa lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới. Năm 1989, Bộ Giáo dục đã chỉ định lịch sử thế giới là môn học bắt buộc dành cho học sinh trung học, với lý do toàn cầu hóa và nhu cầu giáo dục về quốc tế. Nhưng chính sách này đã gây ra sự phản đối với lý do khiến học sinh không biết gì về lịch sử của quốc gia mình, đi ngược lại với mục tiêu đã nêu của Bộ. Điều này làm dấy lên lo ngại đối lập rằng việc bắt buộc sử dụng lịch sử Nhật Bản sẽ khiến một số trường học trong khu vực tập trung quá mức vào môn học này.

… đến kết hợp thành một môn học

Vào năm 2011, với nỗ lực làm hài lòng cả hai bên trong cuộc tranh luận, Hội đồng Khoa học Nhật Bản đã đề xuất gộp lịch sử Nhật Bản và thế giới thành một môn học. Các cuộc thảo luận trong Hội đồng Giáo dục Trung ương của Bộ Giáo dục cuối cùng đã dẫn đến việc ra đời của môn lịch sử hiện đại và đương đại, như một môn học bắt buộc ở trường trung học.

Môn lịch sử hiện đại và đương đại mới giúp rời bỏ khuôn mẫu đã có về môn lịch sử ở trường trung học, nơi giáo viên phân phát tài liệu phô tô và giảng bài, trong khi học sinh chỉ tập trung chép các thuật ngữ lịch sử, điều mà các em thuộc để làm bài kiểm tra và sau đó nhanh chóng quên đi. Ý tưởng hiện tại là để học sinh đọc tài liệu lịch sử, đặt câu hỏi về những thay đổi xảy ra trong thời kỳ đang nghiên cứu và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Sách giáo khoa được phát triển cho chương trình mới có đầy đủ các câu hỏi mẫu và các vấn đề để nghiên cứu thêm, đồng thời cũng khuyến khích sinh viên đọc và giải thích các tài liệu nguồn và trau dồi kỹ năng tư duy và giao tiếp khi xem xét các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Bằng cách này, chương trình giảng dạy mới hứa hẹn một sự thay đổi thực sự mang tính "lịch sử" từ học thuộc lòng sang kiến thức làm cơ sở cho tư duy phản biện và giao tiếp.

Nguồn: Nippon
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm