pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhật Bản: Cứ 4 người độc thân thì có 1 người không muốn kết hôn
Ảnh minh họa: Getty Images
Theo khảo sát từ sách trắng năm 2022 của Văn phòng Nội các về bình đẳng giới được công bố vào ngày 14/6, cứ 4 người độc thân tuổi 30 ở Nhật Bản thì có 1 người không muốn kết hôn, với những lý do như lo ngại về mất tự do, trách nhiệm công việc nhà và gánh nặng tài chính. Ngoài ra, kết quả của cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng số lượng cuộc hôn nhân vào năm 2021 giảm xuống còn khoảng 514.000 cuộc, mức thấp nhất trong thời kỳ hậu chiến, dựa trên số liệu sơ bộ.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1, với phản hồi từ 20.000 người trong độ tuổi 20 đến 60, cho thấy 54,6% nam giới và 62,6% phụ nữ ở độ tuổi 30 đã kết hôn. Trong số những người độc thân chưa từng kết hôn, 46,4% cả nam và nữ ở độ tuổi 30 cho biết có hy vọng kết hôn, trong khi 26,5% nam giới và 25,4% phụ nữ vẫn muốn độc thân. Đối với những người độc thân ở tuổi 20, 19,3% nam giới và 14,0% phụ nữ có cùng câu trả lời.
Kết quả của khảo sát cho thấy thái độ đối với hôn nhân ở Nhật Bản đã thay đổi như thế nào kể từ năm 1970. Lý do phổ biến nhất mà nam giới và phụ nữ ở cả hai nhóm tuổi nêu ra để không kết hôn là muốn duy trì tự do. Nhiều phụ nữ không muốn kết hôn vì hôn nhân có thể khiến họ tăng thêm gánh nặng, chẳng hạn như việc nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già. Trong khi đó, nhiều nam giới cho biết thiếu khả năng tài chính và việc làm không ổn định là những lý do khiến họ trốn tránh hôn nhân.
Nhiều phụ nữ hơn nam giới không muốn thay đổi họ của mình khi kết hôn và các thủ tục liên quan. Bộ luật Dân sự và luật Đăng ký gia đình của Nhật Bản yêu cầu các thành viên trong gia đình sử dụng một họ duy nhất và theo phong tục, mặc dù không bắt buộc về mặt pháp lý, người vợ phải lấy họ của chồng.
28,3% nam giới và 17,8% phụ nữ ở độ 50 chưa kết hôn vào năm 2020. Năm 1970, con số đó chỉ là 1,7% và 3,3% đối với nam giới và phụ nữ, theo sách trắng. Nó cũng chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 "một lần nữa nhấn mạnh việc Nhật Bản tụt hậu so với các nước khác về bình đẳng giới". Các chính sách và hệ thống gây ra chênh lệch lương theo giới tính, cách làm việc phân biệt đối xử và các vấn đề khác của Nhật Bản "vẫn không thay đổi kể từ thời kỳ hậu chiến với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong Kỷ nguyên Chiêu Hòa (1926-1989). Báo cáo nêu rằng "Giờ đây, ý niệm về gia đình Nhật Bản đã thay đổi, hôn nhân không còn được coi như mạng lưới an toàn để đảm bảo một cuộc sống ổn định".
Theo sách trắng, để đạt được bình đẳng giới trong xã hội, Nhật Bản cần tạo ra một môi trường để phụ nữ có thể độc lập về kinh tế hoặc được giáo dục nghề nghiệp khi còn trẻ. Sách trắng chỉ ra sự cần thiết phải tạo ra một môi trường để người trẻ có thể yên tâm kết hôn và nuôi dạy con cái. Một trong số các biện pháp cụ thể là kêu gọi giúp đỡ những người lao động không có việc làm ổn định tìm được việc làm. Seiko Noda, Bộ trưởng Nhà nước phụ trách bình đẳng giới, cho biết tại một cuộc họp báo ngày 14/6 rằng điều quan trọng là phải giải quyết các vấn đề đang ngăn cản mọi người kết hôn.
Số vụ ly hôn ở Nhật Bản vẫn chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng các cuộc hôn nhân trong và sau năm 2020, năm mà đại dịch COVID-19 bắt đầu. Số hộ gia đình độc thân đang tăng mạnh do ít người kết hôn hơn và xã hội đang già đi nhanh chóng.
Sách trắng cho biết Nhật Bản đang chứng kiến sự sụt giảm tỷ lệ sinh vốn đã giảm do sự lây lan của COVID-19 và tỷ lệ này có thể tiếp tục giảm xuống dưới mức trước đại dịch, đồng thời kêu gọi các biện pháp trực tuyến để hỗ trợ hôn nhân và chăm sóc trẻ em. Số trẻ sinh ra ở nước này giảm xuống còn 811.604 trẻ vào năm 2021, đạt mức thấp kỷ lục trong năm thứ sáu liên tiếp và trượt với tốc độ nhanh hơn so với ước tính của chính phủ vào năm 2017.