“Việc sửa đổi luật của phía Nhật có thể mở ra một số cơ hội cho lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước này, trong đó có lao động Việt Nam. Người lao động Việt Nam nếu có trình độ, có kỹ năng, làm việc chăm chỉ, đạo đức tốt thì sẽ có cơ hội được định cư vĩnh viễn ở Nhật. Đây cũng chính là cơ hội, hay đúng hơn là một viễn cảnh vừa mới mở ra cho lao động Việt Nam”, ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, nhận định.
2 loại hình cư trú
Ngày 8/12, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật mở rộng đường cho lao động nước ngoài tới làm việc trong những lĩnh vực đang “khát” nhân lực của nước này. Quyết định của Quốc hội Nhật Bản đánh dấu một bước chuyển đổi chính sách lớn của nước này vốn lâu nay chỉ cấp thị thực làm việc cho những lao động tay nghề cao và có trình độ chuyên môn như bác sĩ, luật sư hay giáo viên.
Với việc hàng trăm nghìn lao động nước ngoài dự kiến sẽ đủ điều kiện xin thị thực mới, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ hoàn tất việc soạn thảo các quy định liên quan đến những biện pháp bảo đảm môi trường làm việc, giúp người lao động có thể sớm thích nghi và hòa nhập với cộng đồng sở tại. Hệ thống thị thực mới của Nhật Bản dành cho lao động nước ngoài sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2019, bao gồm 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng, trồng trọt và điều dưỡng. Đây là những lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt lao động do dân số già đi và tỷ lệ sinh tiếp tục giảm sút.
Với hệ thống thị thực mới, người lao động nước ngoài sẽ được tới Nhật Bản làm việc theo 2 loại hình cư trú. Loại 1 dành cho những người tham gia lao động trong các lĩnh vực chỉ đòi hỏi mức độ kiến thức và kinh nghiệm nhất định, còn loại 2 dành cho nhóm người làm việc trong những ngành nghề cần kỹ năng cao hơn. Để có thể nộp đơn xin visa loại 1 có giá trị tối đa 5 năm, người lao động sẽ phải vượt qua các bài kiểm tra tiếng Nhật và kỹ thuật.
Loại thị thực thứ 2 đặt ra những rào cản cao hơn. Người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cao. Tuy nhiên, người lao động được cấp thị thực loại này được phép đưa gia đình đi cùng và số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, mở ra cơ hội để họ có thể định cư tại Nhật Bản. Thị thực loại 1 sẽ được cấp cho 14 lĩnh vực, còn đối với loại số 2, Chính phủ Nhật Bản dự định giới hạn trong 2 lĩnh vực gồm xây dựng và đóng tàu.
Chính phủ Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 47.750 lao động nước ngoài tới đây làm việc theo thị thực loại 1 trong năm đầu tiên kể từ khi luật mới được thông qua có hiệu lực. Sau 5 năm, số lao động nước ngoài tới nước này làm việc theo visa loại này ước sẽ lên đến 345.150 người, trong đó có 60.000 lao động trong lĩnh vực điều dưỡng.
Tính đến tháng 10/2017, số người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đạt mức kỷ lục mới 1,28 triệu người. Trong đó, những người lao động nước ngoài có nguồn gốc Nhật Bản và là cư dân vĩnh viễn chiếm đa số (459.000 người), tiếp đến là các sinh viên và những người lao động làm việc bán thời gian (297.000 người) và đứng thứ 3 là các thực tập sinh công nghệ (258.000 người).
Không chỉ đào tạo kỹ năng lao động
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV Báo PNVN, ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết, ông đánh giá cao việc Quốc hội Nhật Bản thảo luận và xem xét thông qua dự luật nới lỏng các quy định về tiếp nhận người lao động nước ngoài, bởi đây là vấn đề rất quan trọng đối với kinh tế cũng như xã hội Nhật Bản hiện nay. “Chúng tôi đang thiếu lao động, nên nếu những quy định về nới lỏng tiếp nhận người lao động nước ngoài được thông qua sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế. Đây cũng là cơ hội cho các lao động Việt Nam khi muốn đến Nhật Bản làm việc”, Đại sứ Umeda Kunio nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến của chuyên gia cho rằng vấn đề đặt ra lúc này là Việt Nam cần tập trung vào đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng cũng như sự hiểu biết về văn hóa, xã hội Nhật thì mới nắm bắt được cơ hội trên.
Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, nhận xét: Việc này tạo cơ hội cho lao động Việt Nam sang Nhật. Những lao động đi theo hình thức tu nghiệp sinh và thực tập sinh nếu đáp ứng được tiêu chuẩn lao động cũng như trình độ tiếng Nhật sẽ được quyền ở lại Nhật Bản làm việc với thời hạn tối đa 5 năm. Như vậy, Nhật Bản sẽ mở cửa tiếp nhận các lao động phổ thông thay vì chỉ giới hạn trong các chuyên gia tay nghề cao như bác sĩ và giáo viên.
“Việc sửa đổi luật của phía Nhật có thể mở ra một số cơ hội cho lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước này, trong đó có lao động Việt Nam. Người lao động Việt Nam nếu có trình độ, có kỹ năng, làm việc chăm chỉ, đạo đức tốt thì sẽ có cơ hội được định cư vĩnh viễn ở Nhật. Đây cũng chính là cơ hội, hay đúng hơn là một viễn cảnh vừa mở ra cho lao động Việt Nam”, ông Nguyễn Phú Bình nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cho rằng vấn đề đặt ra cho Việt Nam lúc này là cần tập trung vào khâu đào tạo nhân lực trước khi sang Nhật Bản làm việc. Theo bà Thủy, thực tế hiện nay cho thấy sự thiếu hiểu biết về người Nhật và nước Nhật còn tiếp diễn ngay cả khi người Việt đã đến Nhật sinh sống, học tập và làm việc, mà rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Ngoài ra, tình trạng lao động Việt Nam vi phạm pháp luật tại Nhật Bản cũng tăng lên trong những năm qua.
PGS.TS Ngô Minh Thủy kiến nghị: “Vấn đề đặt ra lúc này là Việt Nam cần tập trung vào đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng cũng như sự hiểu biết về văn hóa, xã hội Nhật thì mới nắm bắt được cơ hội trên. Theo tôi, trước mắt, chúng ta cần phải xây dựng các trung tâm đào tạo có chất lượng cho các lao động Việt Nam trước khi sang làm việc ở Nhật Bản. Đào tạo ở đây không chỉ là về kỹ năng lao động mà là về văn hóa, ngôn ngữ, trang bị cho lao động những kiến thức để họ hiểu biết về văn hóa Nhật, lối sống Nhật và xã hội Nhật, để từ đó họ dễ dàng hội nhập với công việc và cuộc sống mới khi sang Nhật làm việc. Đây cũng là yếu tố mà hiện nay trong đào tạo nhân lực trước khi đưa sang Nhật làm việc, chúng ta vẫn còn đang thiếu”.
Chi phí sang Nhật quá cao Trao đổi với PNVN, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ, nhận xét: Hiện chi phí cho 1 thực tập sinh đi Nhật Bản rất cao, tổng chi phí lên tới 5.300 USD (trong đó, chi phí nộp cho doanh nghiệp phái cử là 4.400 USD, chi phí môi giới khoảng 900 USD), trong khi quy định của Nhà nước đối với thực tập sinh đi không quá 3 năm là 3.600 USD (áp dụng cho tất cả thị trường). “Chi phí cao như vậy gây khó khăn rất lớn cho các thực tập sinh, bởi đa số ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, để có khoản tiền đó, họ thường phải vay ngân hàng. Nếu làm việc tốt trong 3 năm, tính bình quân mỗi thực tập sinh có thể kiếm được 44.500 USD, trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt khoảng 28.000 USD, thực tập sinh có thể để dành được 23.000 USD. Tuy nhiên, việc phải mất một khoản chi phí lớn để sang được Nhật Bản đã ảnh hưởng tới tâm lý học tập, động lực tích lũy kỹ năng của thực tập sinh. Nhiều người bị “ngợp”, trong 6 tháng đầu không trau dồi được kỹ năng, ngôn ngữ, văn hóa... nên khó tồn tại lâu dài tại thị trường này”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói. |