pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhét tỏi vào mũi để làm sạch xoang, chữa cảm cúm, chuyên gia nói "càng tồi tệ hơn"
Nếu là người dùng tiktok, chắc chắn bạn sẽ không còn lạ lẫm với không ít clip tạo thành trào lưu sức khỏe. Nhiều người cùng làm theo trào lưu này và tự rút ra kết luận, thậm chí còn hướng dẫn người khác làm theo mà không cần khuyến cáo của chuyên gia y tế. Mới đây, một số tài khoản tiktok còn chia sẻ việc làm sạch xoang mũi bằng cách nhét tỏi vào 2 bên lỗ mũi. Trong clip chia sẻ, tiktoker Rozaline Katherine cho biết "nó có tác động đấy, làm thông thoáng xoang của bạn". Clip của cô đã thu hút tới 5,6 triệu lượt người xem.
Trong clip của mình, người phụ nữ 29 tuổi, đến từ Arizona, đã nhét những viên tỏi đã bóc vỏ vào mũi, đợi 10 phút mới bỏ ra. Trong thời gian này, cô chỉ ngồi xem tivi. Cuối cùng, cô cho biết: "Sau 10-15 phút, tôi có thể nhận thấy nước mũi mình đang chảy nên tôi lấy tỏi ra. Tôi không bị bỏng hay đau. Tôi đã mong nước mũi chảy ra nhưng rồi nó ra quá nhiều khiến tôi cũng sốc. Tôi cũng không ngửi thấy mùi tỏi sau đó. Tôi nghĩ rằng dịch trong xoang mũi của tôi đã tuôn ra".
Để chứng minh là việc này có tác dụng, cô đã quay nhiều clip khác. Các clip tương tự của cô được các TikTokers khác chia sẻ với hashtag #GarlicInNose, và đã thu về hơn 113.8 triệu lượt xem.
Trong khi nhiều người cảm thấy rất kích động về clip này và bày tỏ ý định sẽ thực hiện khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm thì Erich Voigt, một bác sĩ tia mũi họng, chuyên gia Y tế của NYU Langone nói với The Post rằng nhét tỏi vào mũi khi bị ngạt không phải là cách chữa trị khả thi cho các xoang bị tắc nghẽn.
"Cơ thể muốn trục xuất tỏi và hóa chất của nó ra ngoài ngay lập tức sau khi nó được nhét vào mũi. Vì vậy, mũi đang tạo ra một dòng chất nhầy tràn ra để loại bỏ chất gây kích ứng đó", BS Erich Voigt cho biết.
Ông giải thích rằng luồng nước mũi đổ ra từ mũi sau khi tỏi được bỏ ra ngoài chỉ là một lớp tích tụ chất nhầy mới hình thành trên đỉnh đờm ban đầu gây nghẹt mũi mà thôi.
TS. BS tai mũi họng Raj Sindwani tại Phòng khám Cleveland cũng không đồng tình với việc làm này. Theo ông, việc "chặn" lỗ mũi bằng nhánh tỏi cay nồng thực sự có thể khiến chất nhầy tích tụ nhiều hơn. "Những gì bạn đang làm là đưa chất kích thích này lên mùi - một chất có mùi rất mạnh. Điều đó gây kích ứng niêm mạch mũi, khiến nó tạo ra chất nhầy tăng lên, đồng thời giữ lại chất nhầy đang có trong mũi. Nói cách khác, bạn đang làm cho vấn đề tồi tệ hơn chứ không phải tốt lên", ông nói.
Cho tỏi vào mũi có an toàn không?
BS Voigt tiếp tục khuyến cáo thêm rằng việc nhét tỏi vào mũi thậm chí có thể có tác động gây hại cho toàn bộ cơ thể: "Tỏi là một chất kích ứng rất mạnh. Các chất trong tỏi có thể gây ra phản ứng dị ứng và tổn thương da hoặc niêm mạc. Và nếu một mảnh nhỏ của tỏi bị mắc kẹt trong khoang mũi (mà người đó không biết) thì có thể dẫn đến nhiễm trùng mũi hoặc xoang, nghiêm trọng hơn phải phẫu thuật mới lấy ra được".
Tiến sĩ Sindwani nói thêm: Bất cứ ai đã từng (hoặc đã từng) là một đứa trẻ tò mò đều biết những rủi ro của việc cho thứ gì đó vào mũi. Nó có thể bị mắc kẹt trong đó và khó lấy ra hoàn toàn. "Một phần của miếng tỏi có thể vỡ ra, rơi trong mũi của bạn, dẫn đến tắc nghẽn hoặc thậm chí nhiễm trùng. Tỏi sống có thể gây kích ứng và viêm da. Các loại dầu trong tỏi có thể dẫn đến phát ban bên trong mũi và chảy máu mũi. Nhánh tỏi cũng có thể đâm vào một phần của vách ngăn, nơi có rất nhiều mạch máu, gây tổn thương", tiến sĩ Sindwani cảnh báo.
Làm cách nào để giảm tắc nghẽn trong mũi?
Thay vì lạm dụng nhét tỏi vào mũi để làm sạch xoang, BS Voigt đề nghị mọi người nên làm sạch mũi đúng cách, dùng bình xịt nước muối hoặc hít hơi nước nóng qua vòi hoa hay là bình hít cá nhân sẽ tốt hơn. Ông cũng tiết lộ rằng các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu để xác định xem liệu mùi hương tự nhiên có thể khôi phục lại chứng mất mùi sau COVID hay không, có nghĩa là mất khứu giác và giúp giảm thiểu tắc nghẽn mũi.
Voigt cho biết mùi hương có thể giúp chữa lành tình trạng mất khứu giác bao gồm cam, chanh, bã cà phê hoặc hoa oải hương - nhưng chắc chắn không phải tỏi.
"Cảm lạnh hay cảm cúm thường là do virus gây ra. Tốt nhất, bạn nên điều trị bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc xịt mũi hoặc rửa mũi bằng nước muối. Nếu tình trạng bệnh không đỡ, hãy gặp bác sĩ, đừng dùng tép tỏi", tiến sĩ Sindwani khuyến cáo.