Cần rà soát quy định quyền người bệnh, thân nhân trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

PVH
06/01/2023 - 16:11
Cần rà soát quy định quyền người bệnh, thân nhân trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình - thảo luận tại hội trường

Thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 6/1, một số đại biểu cho rằng, đối với người bệnh trong quan hệ khám bệnh, chữa bệnh thì thường ở vị trí yếu thế hơn, song dự thảo Luật còn có điều khoản chưa thực sự quan tâm bảo vệ người bệnh.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). 

Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn của giấy phép hành nghề; cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh; nguồn ngân sách nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Quan tâm nội dung về dinh dưỡng (Điều 67), đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho biết tại Điều 67 có 2 khoản còn chưa thống nhất. Khoản 1 thì quy định dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng. Trong khi đó, tại Khoản 2 của dự thảo Luật đang quy định về nội dung hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh được mô tả lại không bao gồm việc chỉ định điều trị, can thiệp điều trị hiện nay.

Cần rà soát quy định quyền người bệnh, thân nhân trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 1.

Các đại biểu tại Nghị trường

Đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, theo hướng dẫn của thông lệ quốc tế, dinh dưỡng lâm sàng là tổng hợp các hoạt động khám, đánh giá, chẩn đoán, chỉ định điều trị, can thiệp, điều trị, theo dõi tiên lượng về dinh dưỡng người bệnh… áp dụng các bệnh viện từ trên 20 năm nay tại Việt Nam. 

Khi chưa có quy định nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì hoạt động dinh dưỡng lâm sàng, trong đó có chỉ định chế độ ăn cho người bệnh được quy định tại Quy chế hoạt động khoa dinh dưỡng bệnh viện do Bộ Y tế quy định và ban hành năm 1997 và gần đây nhất, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện bao gồm đầy đủ các hoạt động cũng như công việc của một người cán bộ dinh dưỡng. 

Theo đó, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, Chính phủ cần rà soát, xem xét lại nội dung về dinh dưỡng quy định tại Điều 67 của dự thảo Luật này. Bởi quy định như hiện nay là chưa đầy đủ, vì suy dinh dưỡng trong cộng đồng đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thể chất người Việt Nam nhưng suy dinh dưỡng trong bệnh viện còn đáng báo động hơn rất nhiều.

Quan tâm tới nội dung "quyền của người bệnh", đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Về Điều 2 giải thích từ ngữ, Khoản 10 quy định về người bệnh không có thân nhân, đề nghị thay từ "sơ sinh và trẻ em dưới 6 tháng tuổi" thành "trẻ em bị bỏ rơi tại cơ sở khám chữa bệnh" thì sẽ phù hợp hơn; bởi thực tế, nhiều trường hợp trẻ bị bỏ rơi ở bệnh viện không chỉ có trẻ sơ sinh hay trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Còn tại khoản 11 quy định thân nhân của người bệnh bao gồm: con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha vợ/cha chồng, mẹ vợ/mẹ chồng của người bệnh, đại biểu Lê Xuân Thân nhận thấy, so với dự thảo Luật trước kia thì lần nay được bổ sung thêm vào 2 đối tượng là con dâu, con rể. 

Cần rà soát quy định quyền người bệnh, thân nhân trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, thảo luận tại hội trường

Tuy nhiên, so với quy định và thực tế, quy định như vậy sẽ không đủ vì có những trường hợp người bệnh chỉ ở với ông bà hoặc anh em mà không có người nào khác, do đó không thể loại họ ra khỏi thân nhân của người bệnh. Vì vậy, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị nên xem xét thiết kế lại, nên giải thích về người thân của người bệnh và thành viên trong gia đình theo Luật Hôn nhân và Gia đình cho rõ ràng hơn.

Nêu ý kiến về việc quan tâm, bảo vệ người người bệnh, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho rằng, đối với người bệnh trong quan hệ khám bệnh, chữa bệnh thì thường ở vị trí yếu thế hơn nhưng dự thảo Luật còn có điều khoản chưa quan tâm bảo vệ người bệnh. Ví dụ, Khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn phù hợp với bệnh tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế để cơ sở khám bệnh phù hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, đây là quy định còn định tính và chưa rõ ràng.

Hay như khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật, người bệnh được cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 69 Luật này tức là khi có yêu cầu bằng văn bản. Mặc dù có giải trình để giữ nguyên như dự thảo nhưng đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, đây là quy định hạn chế quyền công dân chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp. Người bệnh không có quyền xem thông tin trong bệnh án và không được sao lục toàn bộ hồ sơ bệnh án…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm