Nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước: Nỗ lực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

D.H
24/03/2021 - 11:36
Nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước: Nỗ lực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chủ tịch nước 2016 - 2021 sáng 24/3 tại phiên khai mạc kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP

Sáng 24/3, tại phiên khai mạc kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước.

Phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết dân tộc        

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp; vào năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt liên tiếp tác động nặng nề đến sự phát triển của đất nước. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và quyết tâm của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị, nước ta vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực. 

Trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.

Rất nhiều nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong nhiệm kỳ qua mà theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng là đã đạt nhiều kết quả, bao gồm: công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thực hiện quyền hạn trong bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, quốc phòng - an ninh…

Đặc biệt, trong công tác xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Chủ tịch nước luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nêu cao tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước đã dự, phát biểu tại nhiều Lễ kỷ niệm lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong các chuyến công tác địa phương, cơ sở, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân; lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; thăm và tặng quà các cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, đồng bào các dân tộc thiểu số; tặng học bổng cho học sinh nghèo... 

Qua kiểm tra, tìm hiểu thực tiễn, Chủ tịch nước có ý kiến với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; góp ý, gợi mở nhiều vấn đề với các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có được kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của bản thân, Chủ tịch nước đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân và cử tri trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 

Cùng với đó, các cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức và hoạt động, tăng cường phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, đổi mới quy trình xử lý công việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, phục vụ hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch nước.

Bên cạnh những thành quả nói trên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận một số hạn chế trong vai trò quyền hạn và nhiệm vụ của Chủ tịch nước nhiệm kỳ qua.

Cụ thể: Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.

Nhìn nhận về những nguyên nhân của hạn chế, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho biết,  trong lĩnh vực cải cách tư pháp, một số quy định của pháp luật hiện hành còn chưa thống nhất và đồng bộ; cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan tư pháp hiệu quả chưa cao. 

Trong việc Chủ tịch nước quyết định ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền và quản lý trong quá trình triển khai, thực hiện cũng như trong đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.

Nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước: Nỗ lực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

5 đề xuất phương hướng thời gian tới

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong thời gian tới, Chủ tịch nước sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện các văn bản luật liên quan đến việc ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có nội dung về cải cách tư pháp.

Ba là, tham gia chỉ đạo công tác ngoại giao của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bốn là, tập trung chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Năm là, quan tâm lãnh đạo và tổ chức, triển khai các phong trào Thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, gắn các phong trào Thi đua yêu nước với việc "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

"Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp có hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ban, bộ, ngành, địa phương và đồng bào, đồng chí, cử tri trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho", đồng chí Nguyễn Phú Trọng kết thúc bản báo cáo của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm