pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiếp ảnh gia hơn 40 năm chụp ảnh bằng một tay bất chấp mạng sống để “săn ảnh”
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh say mê tác nghiệp tại Tây Nguyên
Hơn 40 năm nay, kể từ ngày ông Đăng Thanh để lại cánh tay ở chiến trường Tây Nguyên do bom đạn, chưa ngày nào ông có ý định từ bỏ đam mê nhiếp ảnh, nghề do cha ông truyền lại.
"Điều tôi sợ nhất lúc đó là sau này có còn cầm máy ảnh được nữa không?", ông nói.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là chủ một hiệu ảnh nức tiếng xứ Thanh, từ nhỏ, ông sớm được tiếp xúc với các loại máy ảnh, thực hành thao tác bấm máy theo hướng dẫn của cha.
Mỗi lần cha tráng phim, pha thuốc phim, ông đều chăm chú đứng nhìn suốt mấy mấy tiếng dù chưa hiểu rõ về bộ môn này.
"Hồi đó tráng phim bằng tay, nhìn cha hòa trộn các loại thuốc, khéo léo đưa tay qua từng khe phim để đổ thuốc rồi soi phim bằng đèn dầu, kỳ công lắm mới cho ra được những tấm ảnh đen trắng đẹp. Ước mơ thành nhiếp ảnh gia của tôi bắt đầu từ khoảnh khắc ấy", ông Thanh kể.
Đến năm 14 tuổi, không may cha ông bệnh nặng qua đời. Do chiến tranh nên ông đi bộ đội, không tiếp quản được nghề ảnh thay cha. 5 năm bom đạn khốc liệt ở Tây Nguyên, ông mất sức chiến đấu do bị thương nặng, được đưa về miền Bắc để chữa trị.
Không đầu hàng số phận, ngày trở về ông học bổ túc chương trình cấp 3 ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, đến năm 1974 thì thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).
Liều mình vì nghệ thuật
Ngoài việc tiếp thu kiến thức ở trường, ông Thanh vẫn ngày đêm miệt mài luyện chụp ảnh bằng tay trái. Tay cụt ông ghì chặt vào thân máy ảnh để khung hình không bị nghiêng, tay trái ông chỉnh thông số và bấm nút. Có lần lên núi tác nghiệp, do thao tác lóng ngóng nên ông đánh rơi ống kính xuống vực. Hay những lúc giữ máy quá lâu, ông bị tê tay khiến máy văng xuống nước.
Với ông Thanh, máy ảnh là tài sản quý giá nhất nên khi gặp sự cố đáng tiếc, ông lặng đi mấy ngày, bỏ ăn bỏ uống. Dù bất lực và đau lòng nhưng chưa bao giờ ông muốn dừng lại.
Tốt nghiệp đại học, ông làm nhiều vị trí công tác trong các cơ quan Nhà nước ở Phú Thọ rồi Nam Định, trải qua nhiều nghề ông vẫn chọn đích đến là nhiếp ảnh.
Năm 1987, ông được giải ảnh nghệ thuật đầu tiên trên báo Hà Nam Ninh (cũ) với bức ảnh về làng nghề truyền thống thêu ren. Năm 1995, lần đầu tiên ông được giải ảnh quốc tế trong cuộc thi ảnh quốc tế ACCU (Nhật Bản) với bức ảnh về văn hóa truyền thống ở Phủ Giầy. Sau đó 2 năm ông được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Người nghệ sĩ đam mê cái đẹp lúc này quyết tâm dùng hết số tiền dành dụm được mua xe máy để tự đi khám phá mọi nẻo đường Việt Nam. Vai đeo ba lô đựng thiết bị chụp và ít lương thực, xe chuyển tay ga sang tay trái, cứ thể ông bôn ba vào Huế, vào miền Tây rồi chạy ngược lên Điện Biên, Lai Châu… để "săn" ảnh. Đi đến đâu ông đều chụp lại những nét đẹp đặc trưng ở đó, thậm chí chụp ảnh dịch vụ kiếm thêm tiền trang trải cho hành trình dài.
"Tôi có thể vì cái đẹp mà thức dậy từ 3 giờ sáng để chụp bình minh và đợi từ 3 giờ chiều để bắt trọn khoảnh khắc mặt trời lặn", nhiếp ảnh gia nói.
Nhớ lại lần đi trong đêm tới đèo Thung Khe, tỉnh Hòa Bình, để không bỏ lỡ cảnh đẹp, ông Thanh phải đi qua đường đèo trơn trợt, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Lái xe một tay, balo buộc chặt yên sau, ông cứ thế chầm chậm đi với khao khát được chụp trên đỉnh đèo lúc sớm mai.
Năm 1999, trên đường đi qua cầu Triều Dương (lúc bấy giờ đang xây dựng), đoạn ráp gianh giữa Thái Bình và Hưng Yên, ông vô tình bắt gặp hình ảnh cô thôn nữ vác gánh cỏ, đang rửa tay chân dưới bờ sông. Nơi đây nước lũ tháng 9 vừa rút, vẻ dịu dàng của người con gái đã lấn át đi cảnh dữ dội của thiên nhiên. Lắp sẵn ống kính tiêu cự xa, đeo máy ảnh vào cổ, ông quyết tâm trèo lên mố cầu đang xây dựng để chụp lại khoảnh khắc này từ trên cao bất chấp nguy hiểm.
"Những người công nhân đã ngăn tôi lại bằng mọi lý lẽ và tôi phải viết giấy cam đoan rằng: "Tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cho hành động của mình nếu nguy hiểm xảy ra", ông nhớ lại thời điểm ghi lại bức ảnh được đánh đổi bằng sự nguy hiểm đến tính mạng. Chụp được 5-6 tấm thì nắng tắt, bóng cô gái đi xa và nhiếp ảnh gia lúc này mới tạm hài lòng trèo xuống.
Truyền lửa nghề cho người khuyết tật
Không chỉ say mê sáng tác ảnh, ông Đăng Thanh còn tham gia hoạt động dạy nhiếp ảnh miễn phí cho người khuyết tật của một tổ chức thanh niên, tình nguyện và người khuyết tật của Liên Hợp Quốc vào năm 2006.
Sau đó, ông bắt đầu đi dạy ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước cho các nhóm học sinh là những người khuyết tật hoặc những cơ quan, tổ chức có nhu cầu. Bà Dương Thị Vân, nguyên Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội cho biết, ông Thanh là thành viên có nhiều đóng góp lớn trong việc phát triển tài năng từng cá nhân trong Hội. Đều đặn mỗi tháng, ông Thanh đều có những buổi hướng dẫn, đào tạo về nhiếp ảnh miễn phí cho các thành viên.
"Người khiếm thị, người khiếm thính, người khuyết tật vận động… tất cả đều được thầy Thanh soạn giáo án riêng và chỉ dạy tận tình. Dù học được ít hay nhiều, bản thân tôi và các thành viên đều rất hạnh phúc khi lần đầu được cầm máy lên chụp ảnh, điều chúng tôi ít ai dám mơ tới", bà Vân nói.
Khi được hỏi về hoạt động này, thầy Thanh chia sẻ: Với đối tượng người mù, dù không thể nhìn thấy nhưng họ cảm âm rất tốt. Trong chụp ảnh, nếu thông số cài đặt chuẩn chỉnh sẽ cho ra âm thanh mà nếu được học và thực hành, người chụp có thể xác định được ảnh có sắc nét hay không. Thường ông sẽ phải diễn tả khung cảnh xung quanh, xác định điểm chụp và cho học viên thực hành.
"Nhìn mọi người vỡ òa sung sướng khi chụp được một tấm ảnh, tôi càng trân quý hơn nghề "trồng người" và không cho phép bản thân ngừng cố gắng".
Ông Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho biết: Trong hơn 1.000 thành viên, ông Thanh là nghệ sĩ duy nhất trong Hội chụp ảnh bằng một tay.
Chưa một lần muốn "gác máy"
Ở tuổi 73, ông Bùi Đăng Thanh sở hữu gần 70 giải thưởng trong nước, quốc tế và đã được phong các tước hiệu cao quý: NSNA quốc tế (A.FIAP), NSNA có cống hiến xuất sắc Việt Nam (ES.VAPA), NSNA xuất sắc Việt Nam (E.VAPA) và đã có nhiều tác phẩm được giới nghệ thuật đánh giá cao, như: "Lặng lẽ phù sa", "Miền quê thương nhớ", "Em bé Hà Nội", "Đất hẹn mùa vàng"...
Trên chặng đường dài chinh phục cái đẹp, nhiếp ảnh gia Đăng Thanh thường chọn đi một mình, một phần muốn tận hưởng trọn vẹn nét đẹp từng vùng miền. Nhưng sau này, khi mở lớp dạy học nhiếp ảnh, ông thường dành nhiều thời gian cùng học trò của mình đi thực tế.
Ông Nguyễn Hoài Sơn (55 tuổi, Hà Nội), người theo học lớp ảnh sáng tác nghệ thuật của thầy Thanh kể lại lần cùng thầy lên Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cả thầy và trò luống cuống làm rơi ống kính xuống bùn đất vì vội chụp cảnh mặt trời mọc giữa "biển mây" bồng bềnh trôi.
"Giọng thầy sang sảng cả vùng trời thúc giục chúng tôi nhanh tay. Tất cả chúng tôi lúc đó hoàn toàn chìm đắm, say mê trước cái đẹp", ông Sơn kể.
Làm thợ ảnh chụp dịch vụ hơn 15 năm nhưng khi học thầy, ông Sơn ngỡ ngàng vì được tiếp nhận những kiến thức mới trong những điều cơ bản nhất. Chẳng hạn như cách bấm máy ở tốc độ chậm, người chụp phải nín thở, tay giữ chặt không được rung hay đơn giản là cách kiểm soát ánh sáng, bắt khoảnh khắc cảm xúc.
Ở độ tuổi này, những vết thương cũ do chiến tranh để lại thường xuyên tái phát, xương khớp hay nhức mỏi. Nhưng thay vì ở nhà nghỉ ngơi, thầy Thanh chọn đi chụp cùng học trò nhiều hơn để rèn luyện sức khỏe.
Chu du khắp nơi trên mọi nẻo đường, người nghệ sĩ nhiếp ảnh 73 tuổi khi được hỏi về người bạn đồng hành tuyệt vời nhất, ông mỉm cười chỉ vào vợ mình.
"Nhiều lúc đi không biết sống chết thế nào, tôi phải cảm ơn vợ khi luôn thấu hiểu và chấp nhận người thương binh lại thích phiêu lưu như tôi", ông Thanh nói.