Không nhiều biến động
Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM cho biết, chỉ tiêu dự kiến trường này là 3.500 sinh viên hệ ĐH và 500 hệ CĐ. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên trường mở ngành mới là khoa học chế biến món ăn. Phương thức tuyển sinh của trường ở bậc ĐH sẽ có 90% thí sinh được tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Số còn lại được xét theo điều kiện học bạ, điểm học bạ 3 năm THPT.
Với 2.995 chỉ tiêu hệ ĐH và 210 chỉ tiêu hệ CĐ, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) sẽ có tỉ lệ xét tuyển nhất định. Theo đó, 60% chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, 20% chỉ tiêu dựa vào bài kiểm tra năng lực do ĐHQG TPHCM thực hiện và 20% còn lại là các đối tượng thí sinh ưu tiên theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, của ĐHQG TPHCM.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM (thuộc ĐHQG TPHCM) cũng vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2018. Theo đó, nhà trường sẽ dành 3% số chỉ tiêu xét tuyển các diện ưu tiên theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, 15% chỉ tiêu đối với học sinh trường chuyên, năng khiếu và 10% dành riêng cho các thí sinh dựa vào bài kiểm tra năng lực do ĐHQG TPHCM thực hiện (nếu Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép thực hiện bài kiểm tra này). Còn lại, 72% số thí sinh sẽ được chọn lựa thông qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia chung.
Trong năm 2018, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một trong những trường có thêm nhiều ngành đào tạo mới. Theo đó là các ngành: Thiết kế đồ họa, kiến trúc, quản lý xây dựng, năng lượng tái tạo, sư phạm công nghệ và quản trị nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Trường ĐH Mở TPHCM mở thêm ngành kế toán, tài chính, quản trị ngân hàng, tiếng Anh... để thu hút thí sinh.
Mặc dù số lượng chỉ tiêu các trường không có sự thay đổi, dao động nhiều so với năm trước nhưng cơ cấu các ngành, nghề do thí sinh đăng ký dự kiến sẽ có nhiều biến động, tùy theo tâm lý người học.
Bắt buộc công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm
Trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, bắt đầu từ năm 2018, các trường bắt buộc phải công bố tổng chi phí để đào tạo một sinh viên/năm, tỉ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành).
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) - cho biết, việc công bố tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm tới đây sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng là căn cứ để thí sinh, phụ huynh và xã hội nhận diện và lựa chọn trường ĐH, CĐ nào đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng đào tạo ra trường rồi thất nghiệp.
Về điều này, đại diện một số trường đã có thông tin ban đầu. Theo đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hàng năm trường đều lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về vấn đề việc làm. Mới đây, trường vừa hoàn thành việc đánh giá ngoài, đơn vị kiểm định cũng cho biết tỉ lệ sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng là 94%. Còn tại ĐH Ngoại thương, qua kết nối với sinh viên trên internet, sinh viên phản hồi rất tốt về tỉ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp, và năm nào cũng công khai về tỉ lệ này.
Việc công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là kênh tham khảo rất tốt để thí sinh lựa chọn sát hơn với ngành nghề mình muốn theo đuổi, tuy nhiên ai kiểm định tỉ lệ công bố và các con số có đáng để tin cậy, là điều mà dư luận băn khoăn.
Nói về điều này, TS Phạm Thị Ly, chuyên gia về giáo dục đại học (ĐH), cho rằng, đây là nội dung rất đáng ghi nhận của Bộ GD&ĐT trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin ở cấp trường, là điều giới học thuật đã nhiều lần kêu gọi trước đây.
“Tuy nhiên, để làm được điều này rất khó và có một số vấn đề cần làm rõ như chi phí đào tạo sinh viên được định nghĩa là bao gồm những khoản gì và không bao gồm khoản gì, ai kiểm chứng tính xác thực của những thông tin này. Thứ hai, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập bằng phương pháp nào, “có việc làm” được định nghĩa cụ thể ra sao, ai là người thu thập và ai kiểm chứng…”, TS Phạm Thị Ly nêu ý kiến.