pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều phụ nữ Ê Đê 9X đã chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản
Ảnh minh họa
Yên tâm hơn khi đi siêu âm, khám thai
Hay tin có cán bộ phòng khám sản phụ khoa, Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, về Trung tâm y tế xã Hoà Vang, nhiều chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở đây đã đến khám. Với họ, đây là cơ hội may mắn. Bởi nếu không, họ sẽ phải đi quãng đường hơn 20 cây số để lên khám ở Trung tâm Y tế huyện.
Đi khám thai ở Trung tâm y tế xã Hoà Vang, H' Thi Niê (SN 1997, buôn Ngô A, xã Hoà Phong) cho biết, 5 năm trước, may mà cuối thai kỳ cô đi siêu âm nên phát hiện nước ối bị cạn. "Nếu như các bà, các mẹ, các chị chẳng bao giờ đi khám thai, không biết siêu âm là gì thì sẽ gây nguy hiểm cho con. Ngày đó, em đã kịp thời được mổ cấp cứu. Em cảm thấy việc khám thai, siêu âm rất quan trọng với các sản phụ", H' Thi Niê chia sẻ.
Thế nên, hiện đang mang thai con thứ 2 ở tháng thứ 4, H'Thi Niê đã có ý thức đi khám thai. "Bây giờ, ở các cánh đồng, nương rẫy, người ta phun thuốc trừ sâu rất nhiều. Em muốn đi khám thai để xem con có bị dị tật không. Nếu đi siêu âm và khám tư, mỗi lần khám hết mấy trăm nghìn. Còn khi Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông về Trung tâm y tế xã Hoà Vang, em có thẻ bảo hiểm nên được miễn phí", H'Thi Niê cho biết.
Giống như H'Thi Niê, thuộc thế hệ 9X nên H'Nhi Byă (SN 1995, buôn C Lia, xã Hoà Phong) cũng đã có kiến thức về chăm sóc SKSS. Ở các thế hệ trước, phụ nữ Ê Đê rất ngại ngần và không dám nói khi bị viêm nhiễm hay mắc bệnh phụ khoa. Còn H'Thi Niê, H'Nhi Byă đã biết vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Khi bị viêm nhiễm, họ đã biết dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ. Họ biết rằng "phần phụ" rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến việc sinh sản sau này.
Đi khám bệnh lần này, H'Nhi Byă muốn được siêu âm để kiểm tra sức khoẻ. "Em ngừng thuốc tránh thai từ tháng 11 mà đến giờ chưa có thai. Con thứ nhất của em đã 5 tuổi. Em lo lắng, thắc mắc, không biết có phải do em uống thuốc tránh thai nhiều nên ảnh hưởng đến chuyện có con. Có bác sĩ ở Trung tâm y tế huyện về khám, bác sĩ giải đáp những thắc mắc của em, tư vấn cho em về chăm sóc sức khoẻ, em cảm rất may mắn. Nếu không, em chẳng biết hỏi ai", H'Nhi Byă cho biết.
Đã có trường hợp nguy hiểm khi thai phụ không đi khám thai
Chia sẻ về vấn đề chăm sóc SKSS ở phụ nữ vùng cao, bác sĩ Nguyễn Chí Anh, Phòng khám sản phụ khoa Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, cho biết, trước đây, phụ nữ dân tộc thiểu số thường rất mặc cảm. Họ gần như không đi khám phụ khoa, kể cả những người bị viêm nhiễm nặng. Họ ngại nói về bệnh của mình với người khác. Họ không biết phơi quần áo ở ngoài ánh nắng cho sạch sẽ, thơm tho.
Thậm chí, bị bệnh nặng mà phải siêu âm, họ không dám kéo quần xuống thấp, không dám kéo áo lên, không dám nói với bác sĩ về những từ ngữ của phụ khoa, thậm chí họ còn rất ngại ngùng khi nói đến cái quần lót. Bác sĩ phải nói rất nhiều mới thuyết phục được họ khám.
"Nhiều người khi mang thai thường không đi siêu âm. Họ không biết mình mang thai ngược, đã có không ít trường hợp gặp nguy hiểm khi sinh con, thậm chí gây tử vong cả mẹ và con. Từ khi có phòng khám sản phụ khoa, được siêu âm thai, được bác sĩ tư vấn, họ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc đi khám thai, họ biết chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Chúng tôi khuyên họ 3 tháng cuối thai kỳ phải đi khám thai nhưng nhiều thai phụ còn rất chủ quan", bác sĩ Chí Anh chia sẻ.
Bác sĩ Chí Anh cho biết: "Tháng 9/2020, có một thai phụ người Mông 29 tuổi mang thai lần thứ 3, do không đi khám thai nên không biết mình mang thai ngược. Khi lên trung tâm y tế vào đêm muộn thì 1 chân em bé đã thò ra. Lúc đó, bác sĩ rất khó khăn mới lấy được em bé ra ngoài và em bé bị ngạt. Sau khi cấp cứu, em bé đã thở được, tuy nhiên vẫn trong tình trạng suy hô hấp nặng. Em bé được chuyển lên tuyến trên nhưng sau mấy ngày thì tử vong. Đây là trường hợp rất đáng tiếc, là trường hợp điển hình khi các bà mẹ chủ quan không đi khám thai ở cuối thai kỳ".
Thế nhưng, khi có Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em vùng cao, những bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được tiếp cận với kiến thức về SKSS, họ đã đón nhận và không còn ngại ngùng nữa. Ban đầu, rất ít người đến phòng khám nhưng sau này, họ thấy hiệu quả nên đi khám đông hơn. Cũng bởi, những người bị bệnh phụ khoa nặng khi khám khỏi đã về kể với các chị em, phụ nữ cùng buôn. Từ đó, họ cảm thấy tin tưởng và đi khám khi thấy có dấu hiệu viêm nhiễm. Khi đi khám sớm, bệnh của họ cũng dễ điều trị hơn, điều trị nhanh hơn. Họ đã biết tầm quan trọng của việc siêu âm thai, đặc biệt trong cuối thai kỳ.