'Nhiều sinh viên giỏi nhưng thiếu kiến thức về phòng ngừa bạo lực'

H.Y
19/04/2022 - 17:04
'Nhiều sinh viên giỏi nhưng thiếu kiến thức về phòng ngừa bạo lực'

Ảnh minh hoạ

"Hiện nay, nhiều em nữ sinh, sinh viên có trình độ học vấn cao nhưng vẫn thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc mình bị lạm dụng, xâm hại mà chính các em cũng không thể tự bảo vệ mình" - đại diện Hội LHPN Việt Nam chia sẻ.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã tổ chức Cuộc họp định kỳ Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tại cuộc họp, bà Cao Thị Hồng Minh, phó Ban Chính sách Luật pháp, đại diện Hội LHPN Việt Nam nêu thực trạng, hiện nay, nhiều em nữ sinh, sinh viên có trình độ học vấn cao nhưng vẫn thiếu kiến thức, hiểu biết về pháp luật, dẫn đến việc mình bị lạm dụng, xâm hại mà chính các em cũng không thể tự bảo vệ mình.

'Nhiều sinh viên giỏi nhưng thiếu kiến thức về phòng ngừa bạo lực' - Ảnh 1.

Bà Cao Thị Hồng Minh, phó Ban Chính sách Luật pháp, đại diện Hội LHPN Việt Nam phát biểu

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về Giới và Nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nhìn nhận, thời gian qua, có rất nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái. Đây là những thách thức không nhỏ đối với mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là hiện nay, nhiều nạn nhân đã tin tưởng, dám lên tiếng và tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ tư vấn trong khi xảy ra các sự việc, vụ việc bạo lực trên cơ sở giới thay vì chỉ biết im lặng.

'Nhiều sinh viên giỏi nhưng thiếu kiến thức về phòng ngừa bạo lực' - Ảnh 2.

Quang cảnh Cuộc họp định kỳ Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tháng 4/2022

Xem quảng cáo chỉ thấy phụ nữ nấu ăn, giặt quần áo

Bà Vũ Kim Dung, đại diện Bộ Tư pháp nhìn nhận vấn đề, hiện nay, trong nhiều quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng còn tình trạng khắc sâu vai trò giới, định kiến giới như nấu ăn thì luôn là vợ; phụ nữ giặt quần áo, lau nhà chứ không phải đàn ông… Vì thế, bà Dung cho rằng, việc sửa đổi Luật bình đẳng giới cần phải làm rõ định nghĩa "định kiến giới", "phân biệt đối xử", "bạo lực trên cơ sở giới".

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay, biên chế tại các trung tâm pháp lý của Nhà nước đang có hạn trong khi nạn nhân bạo lực cơ sở giới không nhiều khi không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình nên rất khó để được trợ giúp do chưa có quy định cụ thể.

'Nhiều sinh viên giỏi nhưng thiếu kiến thức về phòng ngừa bạo lực' - Ảnh 3.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) góp ý tại cuộc họp

Theo đó, ông Bùi Đình Ứng cho rằng, nên tận dụng nghĩa vụ trợ giúp pháp lý 8 giờ/năm của hàng chục ngàn luật sư trên cả nước để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới; chuyển cuộc gọi tư vấn đến luật sư có chuyên môn; huy động nguồn lực tuyên truyền phòng ngừa bạo lực trẻ em, phụ nữ qua clip, phim ngắn từ các bạn học sinh, sinh viên…

Đại diện Bộ Công an cho hay Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) đang thí điểm và nhân rộng mô hình phòng điều tra thân thiện để nạn nhân là phụ nữ, trẻ em cảm thấy thoải mái, giải tỏa tâm lý, thay vì phải chia sẻ tại cơ quan công an như đối tượng khác.

Mạng lưới đối tác hành động về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ra mắt vào tháng 12/2021.

Mạng lưới được thành lập nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các bộ, cơ quan của Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội, các luật sư, chuyên gia, nhà báo…hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian tới. Đồng thời, huy động và kết nối các sáng kiến, kinh nghiệm, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm