Nhiều trẻ mắc tay chân miệng trở nặng: Chuyên gia dự đoán số ca sẽ tăng cao

Mộc Trà
01/06/2023 - 11:15
Nhiều trẻ mắc tay chân miệng trở nặng: Chuyên gia dự đoán số ca sẽ tăng cao

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, số ca bệnh tay chân miệng thời gian tới có nguy cơ tăng cao.

Ngày 30/5, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng.

Theo đó, bệnh nhi vừa tử vong là cháu T.H.A. (1 tuổi, trú tại TDP 1, phườngThiện An, TX Buôn Hồ, Đắk Lắk). Theo báo cáo, ngày 19/5, cháu A. khởi phát bệnh với triệu chứng sốt cao 39 độ C và có ho khan. Sau đó, gia đình đưa cháu A. đi khám tại một phòng khám tư nhân và được chẩn đoán viêm họng cấp, có uống thuốc hạ sốt 3 lần/ngày.

Tuy nhiên, đến ngày 22/5, cháu A. vẫn sốt li bì. Sau đó, gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, TX Buôn Hồ. Cùng ngày 22/5, cháu A. được làm thủ tục chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu A. bị suy hô hấp độ 4, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi bệnh tay chân miệng, viêm màng não, viêm cơ tim cấp.

Dù được các bác sĩ tích cực điều trị nhưng đến 15 giờ 30 phút ngày 22/5, cháu A. đã tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, bệnh tay chân miệng độ 4.

Chuyên gia dự đoán tình hình tay chân miệng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: "Số ca bệnh nhân đến khám tay chân miệng tháng này tăng gấp đôi so với tháng trước".

Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đang tiếp nhận và điều trị cho 14 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 2 ca ở độ 3 (độ nặng), 1 ca độ 2B. Số ca nhập viện không nhiều nhưng tỷ lệ có diễn tiến nặng chiếm tới 30%. Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.

Bác sĩ Khanh dự đoán số ca bệnh tay chân miệng có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới, có thể xuất hiện làn sóng dịch như năm 2011.

Báo cáo từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) năm 2011 về tình hình bệnh tay chân miệng cho thấy từ đầu năm 2011 đến hết 3/12/2011, cả nước đã ghi nhận trên 108.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 164 ca tử vong tại 30 tỉnh, thành phố.

Có thể khẳng định năm 2011 là một năm dịch tay chân miệng diễn ra bất thường, tăng nhanh về số lượng mắc, tử vong. Số mắc cao nhất tập trung vào tháng 9 và giảm liên tục vào các tháng cuối năm.

Theo BS Khanh, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa từ nước bọt, bỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Bệnh tay chân miệng hiện nay có quanh năm, nhưng có 2 đợt vào đỉnh là từ tháng 4-6 và tháng 9-12 hằng năm. Trong những giai đoạn này, nếu thấy trẻ sốt và chảy nước miếng, thường phụ huynh nghĩ trẻ mọc răng, nhưng hãy coi chừng trẻ loét họng do tay chân miệng.

Nhiều trẻ trở nặng vì tay chân miệng: Chuyên gia dự đoán số ca bệnh sẽ tăng mạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Phòng tránh tay chân miệng

Dấu hiệu rõ ràng của bệnh tay chân miệng có thể nhận biết được là nổi ban. Hai dấu hiệu điển hình của trẻ biểu hiện bệnh nặng là trẻ đang tỉnh nhưng sốt, không đáp ứng hạ sốt; trẻ ngủ nhưng giật mình chới với, hốt hoảng.

"Dấu hiệu bất thường khi trẻ mắc bệnh chuyển nặng là trẻ cảm thấy buồn nôn, nôn ói, thấy trẻ yếu tay, chân, thì cần đưa đến bệnh viện ngay", BS Khanh nói.

Theo BS Khanh, hiện nay ở Việt Nam chưa có vắc xin phòng tay chân miệng, phụ huynh cần lưu ý cách phòng tránh để giúp con em không mắc tay chân miệng.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh tay chân miệng nếu không thực sự cần thiết;

- Trẻ bị mắc bệnh cần được cách ly tại nhà để tránh việc lây lan;

- Theo dõi, quan sát trẻ bị sốt trong vùng dịch bệnh, cần thiết nên đưa trẻ đi cách ly;

- Vệ sinh nơi ở của người bệnh bằng cách lau phòng, khử khuẩn toàn bộ giường bệnh, phòng bệnh bằng Cloramin B 2%;

- Xử lý những chất thải, quần áo, khăn trải giường của người bệnh và những dụng cụ chăm sóc được sử dụng lại theo quy trình của phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa;

- Người nhà và nhân viên y tế cần rửa tay kháng khuẩn sau khi thay quần áo, tã hoặc tiếp xúc với phân, nước bọt... của người bệnh.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm