Nhiều trường hợp tử vong và ngộ độc nghi sử dụng patê chay: Cục An toàn thực phẩm nói gì?

Thanh Hà
27/03/2021 - 10:00
Nhiều trường hợp tử vong và ngộ độc nghi sử dụng patê chay: Cục An toàn thực phẩm nói gì?

Bệnh nhân bị ngộ độc patê chay năm 2020 được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh ST

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục vừa nhận được thông tin 3 trường hợp tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương nghi ngờ ngộ độc Botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm patê chay, trong đó có 1 bệnh nhân tử vong.

2 trường hợp khác đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Cục An toàn thực phẩm cho biết, cả 3 trường hợp trên đều liên quan đến bữa ăn trưa ngày 20/3/2021 tại Miếu Chiêu Liêu (Khu dân cư Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một).

Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế Bình Dương chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thông báo rộng rãi cho cộng đồng để những người dân từng đến tham dự bữa trưa ngày 20/3/2021 tại Miếu Chiêu Liêu đến khai báo tại cơ sở y tế gần nhất. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo việc điều tra nguồn gốc các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn nêu trên, đặc biệt lưu ý món chả và pate chay; xác định rõ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình liên quan đến các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đã sử dụng. Tuyên truyền cho người dân lưu ý không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã bị phồng, bẹp, biến dạng, không còn nguyên vẹn.

Trước tình hình trên, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm-Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết, Cục cũng đã đề nghị Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản & Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo trách nhiệm được phân công tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc, chỉ đạo việc truy xuất nguồn gốc, tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm patê nghi ngờ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp (patê…), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí ; đồng thời có các hướng dẫn việc phòng chống nguy cơ ngộ độc Botulinum do thực phẩm của các gia đình, hộ kinh doanh tự sản xuất và tiêu dùng.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, độc tố Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, tuy nhiên nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chín (do đó ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm mới nấu chín). Sau khi ăn, độc tố botulinum được hấp thu vào cơ thể, gắn chặt vào các dây thần kinh, gây liệt toàn bộ các cơ.

Cũng theo TS Nguyên, biểu hiện của ngộ độc là sau khi ăn thường khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay), sau đó tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở). Đặc điểm đặc trưng của liệt là liệt mềm, liệt đối xứng hai bên, lan xuống bắt đầu từ vùng đầu xuống chân. Đặc biệt bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và bệnh nhân vẫn tỉnh táo (do độc tố không tác động lên não). Tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân tử vong.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm