Nhớ thao thiết cái vẫy tay của mẹ, nước mắt rưng rưng của bà

Thuỷ Kiều
21/01/2020 - 10:11
Nhớ thao thiết cái vẫy tay của mẹ, nước mắt rưng rưng của bà
Tôi cố gắng bước thật chậm để tiếng bánh xe của chiếc vali lướt trên mặt đường bê tông bớt ồn ào. Tôi sợ tiếng động phiền phức này sẽ đánh thức cả khu phố khi mặt trời còn đang ngủ say, mặt trăng cũng chưa chịu đi trốn. Tôi không thích phải xa Hà Nội vào thời điểm này chút nào.
Về thôi mẹ đợi, bà chờ… - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Những ngày cận Tết, người người rủ nhau về quê, khu phố lô xô hàng quán bỗng vắng ngắt, lạnh tê tái nhưng đẹp mê hồn. Tôi yêu sự tĩnh lặng và trong lành ấy vô cùng. Suốt 365 ngày trong năm, Hà Nội có được mấy khoảnh khắc như thế. Giọng nói xé tan màn sương xám mờ phía trước mặt tôi: "Về quê ăn Tết hả cháu?". Thì ra ông chú hàng xóm đã kịp thức giấc để chuẩn bị nồi luộc bánh chưng. Tôi cũng muốn nán lại một chút để ngắm nghía những tác phẩm biếc xanh màu lá dong được chú xếp ngay ngắn trên chiếc rổ tre, nhưng đôi chân cứ kéo tôi đi về phía ánh đèn pha nhấp nháy: "Chú ăn Tết vui nhé ạ! Cháu phải đi đây, xe đang chờ, mùng 5 cháu lại về".

Với tôi, Tết Hà Nội chỉ gói gọn trong khoảnh khắc ấy thôi. Lưu luyến đến mấy tôi cũng phải mạnh mẽ bước tiếp để sớm quay về với cái Tết thực sự của mình, nơi có mẹ và bà ngoại đang chờ.

Trong ký ức của tôi, Tết không hẳn lúc nào cũng là những kỷ niệm đẹp. Tôi không thích phải ngồi hàng giờ để rửa, miết, tráng từng chiếc lá dong cho đến lúc chúng sạch bóng. Tôi cũng rất ghét ngồi đãi đỗ xanh rồi phải nhặt sạch từng chiếc vỏ, hạt sạn cho đến khi mẹ tôi hài lòng.

Chiều 27 Tết, bà ngoại giục tôi lau đôi hạc đồng, cọ bộ ấm chén, gột sạch bụi bám trên bó hoa vải trưng trên bàn thờ... Đều là những việc tôi từng rất ghét.

Nhưng kỷ niệm tôi muốn quên nhất chính là những câu nói xoáy vào màng nhĩ khi mẹ dắt tôi đi chúc Tết trong bộ quần áo còn thơm mùi vải mới. "Tội nghiệp con bé...", "Giá như nó có bố..."

Tôi là đứa trẻ không có chút ký ức nào về bố. Bố là ai, bố như thế nào... Chính tôi cũng không thể định nghĩa được. Đơn giản là vì ruột thịt của tôi chỉ có mẹ và bà ngoại.

Cuộc sống thay đổi từng giây mà tôi không cảm nhận được, khi nhận ra, mọi thứ đã khác đến mức không thể tin nổi. Nhưng chắc chắn nó tốt hơn, tích cực hơn, đó là thành quả của cả một quá trình lớn lên không ngừng. Tôi bây giờ không còn là đứa bé bướng bỉnh, lạnh lùng của ngày nào nữa. Tôi đủ lớn để nhìn ra những giá trị mà tôi từng chối bỏ, chán ghét.

Về thôi mẹ đợi, bà chờ… - Ảnh 2.

Nhưng lúc này, điều khiến tôi hối tiếc nhất là bà ngoại không còn khỏe, mẹ tôi cũng không còn trẻ nữa. Thời gian bào mòn năng lượng của họ đến mức cạn kiệt. Tôi không biết quỹ thời gian của bà còn bao lâu, chỉ biết lúc này bà đang mong tôi từng giây, từng phút. Tôi cũng chỉ muốn xe chạy thật nhanh, để tôi kịp xuất hiện trước khi bà tỉnh giấc. Tôi muốn được thấy nụ cười đáng yêu của bà, thèm được bà xoa đầu, vuốt má rồi kéo vào lòng, mắng yêu rằng: "Quỷ sứ, giờ mới về, bà mong mãi". Tôi cũng không biết mình có bao nhiêu cái Tết được ở bên bà như thế này nữa. Thời gian càng hạn hẹp, tôi càng muốn mình chậm chạp hơn. Tôi dành hàng giờ để lau đôi hạc đồng trên bàn thờ, đến khi bà phải quát lên rằng: "Thôi, sạch lắm rồi, cháu đừng lau nữa". Tôi mân mê từng chiếc lá dong đã sạch bóng cho đến khi mẹ phải gắt: "Đừng miết nữa kẻo rách lá".

Tôi chỉ muốn níu kéo từng chút, từng chút một, cho đến khi có thể gom lại tất cả hương vị Tết vào kho ký ức của mình. Bởi tôi biết, sau tất cả, mọi thứ còn lại chỉ là kỷ niệm.

Tôi gói ghém hành lý, những chiếc bánh chưng dẻo dền nằm ngay ngắn trong giỏ cùng lời dặn của mẹ: "Nếu không ăn hết ngay thì nhớ cho vào tủ đá". Cuộc sống là thế, đoàn tụ rồi lại chia ly. Tôi quay lưng, để lại cái vẫy tay của mẹ, ánh mắt rưng rưng của bà. Không còn cách nào cả, tôi phải hướng về nơi thành phố xa xôi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm