Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19

Anh Quân
01/09/2021 - 16:28
Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19

Ảnh minh họa

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu vay tiêu dùng của nhiều người tăng cao để giải quyết những khó khăn trước mắt. Cần phải lưu ý gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi ký hợp đồng vay tiêu dùng?

Đại dịch Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của đất nước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm.

Theo báo cáo Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm Quý I năm 2021 của Tổng cục Thống kê, hiện nay, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. 

Trong đó có 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. 

Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị còn bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%. 

Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch.

Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh

Đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm dừng đối với tình hình kinh tế nói chung và tình trạng việc làm nói riêng do đại dịch Covid-19 gây ra, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch.

Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Vay tiêu dùng là nguồn hỗ trợ nguồn tài chính giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống. Ảnh minh họa

Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp (hình thức cho vay được bảo đảm bằng sự tín nhiệm, không cần có tài sản thế chấp) hoặc thế chấp (hình thức cho vay có tài sản đảm bảo), nhằm hỗ trợ nguồn tài chính giúp người tiêu dùng có thể trang trải các nhu cầu trong cuộc sống như nhà ở, phương tiện đi lại, tiện nghi sinh hoạt, học tập, du lịch, y tế và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống trước khi họ có đủ khả năng về tài chính.

Hoạt động này giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân. 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại. So với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không đảm bảo, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng.

Cần lưu ý khi vay tiêu dùng

Trước thực trạng nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao trong mùa dịch Covid-19, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra những lưu ý về hình thức và nội dung tối thiểu của Hợp đồng cho vay tiêu dùng:

Hợp đồng cho vay tiêu dùng phải được lập thành văn bản. 

Đây là lưu ý đầu tiên trước khi người tiêu dùng có ý định tham gia loại hình giao dịch mới này. Hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và tổ chức tín dụng là hợp đồng dân sự giữa các bên. Khi pháp luật chuyên ngành đã quy định cụ thể rằng "phải được lập thành văn bản" thì mọi hình thức giao kết khác (bằng lời nói, hành vi cụ thể...) sẽ dẫn đến việc hợp đồng đó vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật dân sự.

Ngoài ra, hợp đồng cho vay tiêu dùng cần được được lập dưới hình thức hợp đồng cho vay cụ thể (đối với cho vay từng lần) hoặc hợp đồng hạn mức và hợp đồng cho vay cụ thể (đối với cho vay theo hạn mức).

Nhu cầu vay tiêu dùng tăng mạnh trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký hợp đồng vay tiêu dùng. Ảnh minh họa

Tìm hiểu kỹ thông tin 

Khi nhận được dự thảo hợp đồng do tổ chức tín dụng cung cấp, tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết, trong đó cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. 

Cụ thể như: 

- Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; 

- Lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi; 

- Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; 

- Các loại phí khác mà người tiêu dùng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định);

- Theo quy định tại hợp đồng, người tiêu dùng có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này...    

- Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không? 

- Chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...

Biết cách bảo vệ quyền lợi và an toàn

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho chính mình và người thân, người tiêu dùng cần:    

- Chủ động tìm hiểu thật kỹ, có những hiểu biết nhất định về hình thức giao dịch mà mình sẽ tham gia trước khi quyết định ký kết hợp đồng. 

- Cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. 

- Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên, nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ. 

- Trường hợp người tiêu dùng sử dụng số tiền bất hợp pháp hoặc mất khả năng thanh toán nợ cho công ty tài chính sẽ bị xử phạt theo quy định tại hợp đồng và quy định pháp luật hiện hành.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm