pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những biến đổi giá trị gia đình truyền thống
Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Lê Ngọc Văn (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), lĩnh vực hôn nhân và gia đình ở nước ta hiện nay có nhiều tiến bộ như: Ý thức xây dựng gia đình được nâng cao, các chức năng gia đình từng bước được thực hiện đầy đủ; lợi ích gia đình dần được đảm bảo.
Hoạt động kinh tế gia đình từng bước được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình được cải thiện rõ rệt, trong đó, có một bộ phận gia đình trở nên giàu có. Các mối quan hệ trong gia đình ngày càng được tôn trọng, bình đẳng.
Kết cấu và quy mô gia đình được thu hẹp, hình thành các gia đình "hạt nhân" và sinh đẻ ít con hơn, tạo cơ hội chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn...
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, gia đình Việt Nam đã và đang bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như: nhiều tệ nạn xã hội "tấn công" vào các gia đình, ảnh hưởng lớn đến lối sống, đến việc hình thành nhân cách của con người và các mối quan hệ trong gia đình; quan hệ vợ chồng, anh em, họ hàng, làng xóm bị phai mờ, giá trị tinh thần bị xem nhẹ; nhiều gia đình cha mẹ mải lo làm ăn, không dành thời gian quan tâm, giáo dục con cái dẫn đến con cái sa vào tệ nạn xã hội; tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội…
Trên cơ sở nghiên cứu, PGS.TS Lê Ngọc Văn chỉ ra 3 điểm biến đổi giá trị gia đình truyền thống, đó là:
Về quan hệ hôn nhân: Một số quan niệm truyền thống về tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời và đi đến hôn nhân của người Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển sang các giá trị mang tính cá nhân và hiện đại. Tiêu chí tình yêu được quan tâm trong giới trẻ, yếu tố tình cảm và sự tự do lựa chọn hôn nhân được đề cao.
So với trước đây, vai trò của cha mẹ không còn ảnh hưởng nhiều đến quyết định tiến tới hôn nhân của con cái về đối tượng kết hôn, về hình thức hôn nhân, tuổi kết hôn ngày càng cao hơn, cũng như vấn đề không gian sống sau kết hôn.
Về quan hệ giữa vợ và chồng: Nếu như trong gia đình truyền thống, quan hệ giữa vợ và chồng không được coi trọng như quan hệ cha mẹ và con cái thì trong gia đình hiện đại, quan hệ vợ - chồng được coi trọng do giá trị cốt lõi của hôn nhân dựa trên tiêu chí tình yêu và sự nương tựa vào nhau.
Nếu trong gia đình truyền thống, mục tiêu của hôn nhân là duy trì nòi giống thì trong gia đình hiện đại, các cặp đôi theo đuổi hạnh phúc và thỏa mãn tình yêu. Quan niệm về vai trò của vợ và chồng cũng thay đổi theo hướng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau (thừa nhận về các quyền trong gia đình như quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận, quyết định và kiểm soát nguồn lực trong gia đình và quyền thụ hưởng bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, mà trước hết là giữa vợ và chồng).
Về quan hệ giữa các thế hệ: Mô hình gia đình hạt nhân đã có tác động rất lớn đến quan hệ giữa các thế hệ. Nhiều gia đình thiếu đi không gian giao tiếp giữa các thế hệ, dẫn đến sự thay đổi giá trị tính tập thể, tính cộng đồng.
Những giá trị như "kính trên nhường dưới" vẫn được duy trì, gìn giữ nhưng thiếu đi không gian thực hành giữa các thế hệ, dẫn đến vấn đề người già cô đơn, một bộ phận trẻ em hiện nay không còn tuân thủ các chuẩn mực truyền thống của gia đình, nhiều bậc cha mẹ mải làm kinh tế, không dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái…
Một vấn đề đáng lo ngại khác là tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng tăng, làm suy giảm mối quan hệ gắn bó trong gia đình.