Ngày 10/11/1965 Đội nữ Du kích huyện Củ Chi chính thức được thành lập. Ban đầu Đội nữ gồm có 3 thành viên là cô Nguyễn Thị Nê (Bảy Nê) làm đội Trưởng, cô Trần Thị Nhỡ (Út Nhỡ) là Chính trị viên và cô Lê Thị Sương, người chiến sĩ đầu tiên của đơn vị. Từ khi Đơn vị Trung đội Nữ ra đời đã có rất nhiều chị em trở thành Anh hùng, trở thành Dũng sĩ. Hơn thế nữa, vì là nữ, các cô có nhiều lợi thể tham gia chiến đấu trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và binh vận.
Cô Võ Thị Mô (Bảy Mô), Trung đội trưởng Trung đội này từ năm 1967 – 1968, Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, xúc động kể lại. “Thời kỳ đó, Trung đội Nữ đã sát nhập với Tiểu đoàn 7 thực hiện chống càn ở mọi nơi. Ngày xưa có biệt hiệu là Tiểu đoàn lửa, có nghĩa là đi tới đâu là có lửa đạn tới đó. Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, mỗi người đi đánh giặc chỉ có một bộ đồ trên người. Chủ yếu tập trung mang súng, đạn dược, vũ khí. Lớp bom đạn, lớp pháo, lớp B52, phải “ăn cơm vắt, uống nước ve”, có khi không có nước mà uống nhưng chị em Đội Nữ vẫn kiên trung, chịu đựng mọi gian khổ. Trong chiến tranh đánh Mỹ thì chỉ có 24 chị em Đội Nữ hy sinh”.
Cô nhớ nhất là trận đánh Thái Mỹ, đánh đồn tổng cộng ba lần, hai lần đầu thành công bắt sống nhiều tù binh. Nhờ đánh thắng trận đó, Trung đội Nữ được khen tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, còn tôi thì được Huân chương chiến công hạng Ba. Từ thắng lợi đó, Trung đội của tôi tiếp tục đánh trận Phước Hưng, Vườn Trầu, trận chống càn ở Phước Thạnh, Đồng Lớn, rồi trận Rừng Tre...”
Tiếp tục kế thừa truyền thống anh dũng của các nữ đội trưởng trước kia, cô Võ Thị Trong, người Trung đội Trưởng cuối cùng từ năm 1973 – 1975 cũng nổi bật không chỉ với lòng gan dạ của người lính cầm súng, mà còn là sự mưu lược hiếm có. Giác ngộ cách mạng từ khi mới 12, 13 tuổi, ban đầu cùng bạn bè đã tham gia đào chiến hào, vót chông. Lớn hơn một chút, cô tham gia du kích ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng. Ngay trong trận đánh đầu tiên, cô cùng đồng đội và Tiểu đoàn Quyết Thắng đã lập được chiến công lớn, bắn bị thương 25 xe cơ giới của địch. Sau trận thắng đó, cô được bằng khen Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3. Chiến dịch Mậu Thân 1968 kết thúc, cơ sở của ta đều đã bị địch bắt gần hết. Từ đó, các anh giao nhiệm vụ cho cô ở lại trong ấp chiến lược xây dựng cơ sở, tổ chức diệt ác.
Cô đã tổ chức cơ sở trong lực lượng địch, diệt được một ác ôn, vận động 4 phòng vệ dân sự xung kích trở về với cách mạng. Hoạt động tích cực, khoét sâu vào tận hang ổ của địch, cô Trong không tránh khỏi những lần bị bắt, bị tra tấn dã man. Chính đòn roi của giặc đã lấy mất cánh tay trái của cô khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Thế nhưng, cô vẫn gan dạ, mưu trí, lập được nhiều chiến công, trong đó có việc vào tận sào nguyệt địch tiêu diệt gọn tên đồn trưởng Thiên ác ôn chỉ trong một phát súng. Kể từ đó, hình ảnh người “phụ nữ một tay” dẫn đầu đội nữ mặc áo bà ba đen là nỗi ám ánh kinh hoàng đối với bọn giặc.
Cô gái trong đoàn Văn Công – Cao Thị Hương, kể lại: “Tháng 12/1964, tôi bắt đầu làm du kích xã Tân An Hội. Khi được nhận súng, tôi rất vui nhưng lúc đó, tôi chỉ biết bắn không biết tháo lắp súng, không biết nhắm bắn,… cho nên hằng ngày tôi phải tích cực tập bắn yếu lĩnh. Đến ngày chống càn, các đồng chí nam đi bắn máy bay, không cho tôi đi theo, họ nói tôi là đàn bà con gái, không cho tôi đi nhưng tôi vẫn đi luôn. Tôi nói “Mấy anh bắn được là tôi bắn được”, rồi tôi cầm súng chạy theo. Ba người thanh niên cầm súng chạy trước tôi, mỗi khi thấy máy bay chúi xuống là ba đồng chí đó nằm. Còn tôi, tôi cứ chạy, tôi không nằm, vì tôi biết nếu tôi mà nằm thì tôi không theo kịp họ. Máy bay khi nó bay thì bay hình tam giác nhưng mà khi nó bắn, nó lại chúi bắn từng chiếc. Đồng chí tổ trưởng phân công mỗi người bắn một chiếc. Tôi xí bắn chiếc thứ nhất nhưng các đồng chí lại kêu “Mày là đàn bà con gái, mày bắn chiếc chót”. Vậy mà, hai chiếc máy bay đầu, các đồng chí nam bắn không trúng, đến “chiếc chót” của tôi, tôi bắn liền 4 phát, chiếc máy bay bốc cháy, tôi bắn thêm 3 phát nữa là hạ được chiếc máy bay đó! Hai ba ngày sau, tôi được biểu dương toàn quận Củ Chi là nữ du kích đầu tiên bắn hạ được máy bay, cùng lúc đó tôi cũng được lệnh lên đầu quân cho Trung đội Nữ của huyện.”
Không trực tiếp “cầm súng” chiến đấu như các chị, cô du kích Nguyễn Thị Thược, xã Đội phó xã An Nhơn Tây đã tận dụng được sự khôn khéo, mềm mại vốn có phái nữ kết hợp cùng với sự gan da, kiên cường trong công tác chính trị, binh vận. Cô cùng các đồng đội đã binh vận được tổng cộng 25 lính trở về, tham gia giúp đỡ lực lượng của mình.
Trung đội Nữ du kích Củ Chi ra đời năm 1965 và kết thúc chiến đấu năm 1975, cũng là những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhất, vậy nhưng các cô vẫn kiên trì bám trụ trên vành đai diệt Mỹ. Sau ngày giải phóng, khi trở về với cuộc sống đời thường, các cô thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, cầm lấy “tay cuốc tay cày” xây dựng quê hương, hàn gắn những vết thương chiến tranh.
Đến nay, đã 43 năm hòa bình thống nhất, các cô giờ đây đã trở thành bà nội, bà ngoại nhưng họ vẫn cố gắng là điểm tựa để cho thế hệ con cháu cùng tiếp bước cha anh xây dựng, bảo vệ đất nước.