pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những “bóng hồng” trong ngành năng lượng tái tạo Việt Nam
Maya Malik đã chia sẻ về chặng đường 20 năm xây dựng sự nghiệp và đạt đến vị trí như ngày hôm nay. Với cương vị hiện tại là Tổng giám đốc kiêm Giám đốc dự án của Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn có công suất dự kiến lên tới 3,5GW tại Bình Thuận, Maya đã đi lên từ tấm bằng kỹ sư cơ khí và công việc xây dựng trong lĩnh vực dầu khí. Sau vài năm, cô chuyển sang một lĩnh vực mới mẻ hơn hẳn - điện gió ngoài khơi. Maya đã làm việc cùng với những người sáng lập của Copenhagen Offshore Partners (COP) và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), nỗ lực góp phần trong việc phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Đan Mạch, Anh và Đức.
Maya luôn mong muốn được tham gia phát triển các dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu ở Châu Á, nơi cô gắn bó và trưởng thành qua nhiều năm làm việc. "Thật tình cờ khi CIP và COP mở văn phòng tại Đài Loan, như "duyên số" để tôi có cơ hội làm việc cùng các đồng nghiệp cũ ở COP và chuyển đến Châu Á," cô cho biết thêm.
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn được hình thành với mong muốn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Điều này chắc chắn không thể đạt được chỉ trong một sớm một chiều. Một năm trước, Maya đã thành lập văn phòng COP tại Hà Nội và xây dựng một nhóm phát triển tinh nhuệ trong việc nghiên cứu kỹ thuật, xây dựng các đề xuất cho chính phủ, tạo mối quan hệ với các công ty trong nước và ký kết các hợp đồng.
Đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam/ Cống hiến cho đất nước
Giống như câu chuyện của Maya, dự án La Gàn có thể là nơi khởi đầu và phát triển sự nghiệp cho nhiều nhân sự. Theo một nghiên cứu chuyên sâu của BVG Associates – công ty tư vấn độc lập về năng lượng tái tạo, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn dự kiến sẽ tạo ra hơn 45.000 công việc tương đương toàn thời gian và đóng góp hơn 4,4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt vòng đời dự án.
Maya không phải là "bóng hồng" duy nhất nổi bật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Làm việc ở Bộ phận Thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, với vị trí Cố vấn đầu tư và thương mại, một trong những nhiệm vụ chính của Vũ Phương Lan là hỗ trợ hoạt động từ đầu đến cuối cho các công ty Đan Mạch tại Việt Nam. Lan cũng có một hành trình gắn bó trong lĩnh vực năng lượng suốt cả một thập kỷ.
"Năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, là một lĩnh vực rất thú vị với nhiều điều mới mẻ, từ chính sách đến công nghệ. Vì vậy, việc tham gia và hỗ trợ dự án La Gàn đến với tôi một cách khá tự nhiên", chị Lan chia sẻ.
Chị cho biết thêm, cho tới nay, dự án đã đạt được những dấu ấn quan trọng và xây dựng được đội ngũ phát triển dự án là nhân sự trong nước và quốc tế rất có năng lực. "Tôi đã học được nhiều điều từ các thành viên của CIP, COP và sự hợp tác trên tinh thần cởi mở và chia sẻ," Lan nói. "Là một phụ nữ Việt Nam, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là rất quan trọng và tôi thực sự hạnh phúc vì Đại sứ quán Đan Mạch và các công ty như CIP, COP đã tạo điều kiện cho tôi đạt được sự cân bằng này."
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 11 năm 2019, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc tạo ra sự cân bằng giới cho nguồn nhân lực. "Điều đáng mừng là phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong các doanh nghiệp. Cộng đồng nhân tài vẫn tiếp tục được mở rộng", bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO, cho biết.
Cơ hội rộng mở cho nữ giới trong ngành năng lượng tái tạo
Báo cáo của ILO cũng cho thấy sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi định kiến giới, trong đó phụ nữ ít được đại diện ở các vị trí quản lý. Mặc dù vậy, ngành năng lượng tái tạo lại đang có những dấu hiệu thay đổi gia tăng. Theo một báo cáo năm 2019 từ Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, ngành năng lượng tái tạo sử dụng khoảng 32% nhân lực nữ, so với 22% trong ngành năng lượng nói chung. Số liệu được ước tính bằng số lượng việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có thể tăng từ 10,3 triệu việc năm 2017 lên gần 29 triệu việc năm 2050.
Cơ hội quả thực là có, đặc biệt là khi ngày càng nhiều người nhận thức rõ sự cần thiết của việc chuyển đổi năng lượng. Huỳnh Vũ Triều Kha, Quản lý quan hệ công chúng của dự án La Gàn, đã nắm bắt được cơ hội đó. "Tôi rất quan tâm đến môi trường và sự phát triển bền vững. Vì vậy, thông qua dự án này, tôi có thể biến mối quan tâm của mình thành một đóng góp thiết thực cho môi trường và quê hương", Kha nói.
Về môi trường làm việc trong quá trình phát triển dự án, Phùng Thị Vân Giang, Trưởng bộ phận tài chính COP Việt Nam cho biết thêm: "Tại COP, chúng tôi có môi trường làm việc hiện đại với những điều thú vị để học hỏi và cả những thách thức. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng bản thân đang nỗ lực đóng góp công sức trong việc bảo vệ môi trường không chỉ cho cuộc sống hàng ngày mà còn cho các thế hệ tương lai."
Những "bóng hồng" như Maya, Lan, Giang và Kha đang nỗ lực chứng minh rằng, dù ở bất kỳ ngành nghề nào hay có bất cứ trở ngại gì đi chăng nữa, phụ nữ đều có thể vươn tới đỉnh cao sự nghiệp của mình.
"Là phụ nữ, đôi khi bạn không phải là một lựa chọn được mong đợi cho một vị trí cấp cao trong ngành năng lượng, năng lực của bạn có thể bị mọi người phỏng đoán và đánh giá thấp," Maya chia sẻ. "Nhưng điểm mạnh của bạn nằm ở chỗ bạn có cảm giác nhạy hơn với môi trường làm việc xung quanh, thấu hiểu mọi người tốt hơn và tận tâm hơn trong việc đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ - đó là tất cả những điều tạo nên khả năng lãnh đạo tuyệt vời của phụ nữ."