Phục hồi nền văn minh cổ Trung Đông
Syria từng là nơi nằm dưới sự cai trị của người La Mã, người Assyria, Ba Tư và Akkadians nên có rất nhiều kho báu mang giá trị khảo cổ. Đây cũng là quê hương của nhiều hóa thạch đồ đá cũ và là một trong những nơi lớn nhất thế giới phát hiện ra các văn bản chữ hình nêm. Tuy nhiên, hiện nay, hàng trăm địa điểm khảo cổ đang bị đe dọa. Những vụ đánh bom và cướp bóc đã tàn phá một số địa điểm có giá trị. Tất cả 6 khu vực có di sản văn hóa thế giới của Syria được UNESCO công nhận đều bị thiệt hại nặng nề.
Joanie nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa ở Afghanistan
Trước tình hình ấy, một số nhà khảo cổ học, trong đó có nữ tiến sĩ Emma Cunliffe đến từ Đại học Durham, Anh, đang cố gắng bảo tồn các di sản ở Syria. Cô thuyết phục, đề nghị chính phủ và các nhà lãnh đạo phiến quân bảo vệ những báu vật quan trọng nhất tại quốc gia này. Cô đã lên một danh sách các địa điểm khảo cổ học “không được tấn công” và cần được bảo vệ để gửi các nước cùng các bên liên quan những mong công việc bảo vệ di sản được triển khai một cách tốt nhất.
Báo cáo mang tên “Tổn thất tâm hồn: Di sản văn hóa Syria trong xung đột” được Emma cho phát hành năm 2011 đã lập tức trở thành là nguồn tài liệu đáng tin cậy cho hàng nghìn nhà báo tìm kiếm thông tin về thực trạng các di sản văn hóa Syria. Tiếng nói của Emma về các di sản văn hóa Syria đã được ghi nhận trên những phương tiện truyền thông. Hiện cô vẫn tiếp tục hỗ trợ tích cực cho nhiều ban ngành chính phủ và tổ chức phi chính phủ để bảo vệ tốt hơn các di sản.
Lambah (áo đen) chia sẻ về kế hoạch bảo tồn ngôi chùa cổ
Joanie Eva Meharry (Mỹ) lần đầu tiên tới Afghanistan năm 2009 để nghiên cứu lịch sử Bảo tàng Quốc gia sau 30 năm chiến tranh. Trong một phần nghiên cứu của mình, cô đã phỏng vấn các nhân viên gạo cội của bảo tàng, những chuyên gia di sản và kể từ đó, cô không ngừng làm việc để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cổ đại Afghanistan. Joanie đã nghiên cứu các tu viện, đền đài cổ của Mes Aynak, thành phố Phật giáo cổ xưa ở tỉnh Logar. Công trình khảo cổ vĩ đại này đã nhận được sự chú ý của quốc tế khi Taliban phá hủy 2 sa thạch tượng Phật 1.700 năm tuổi vào năm 2001.
Các tài liệu, nghiên cứu quý giá của Joanie cùng với sự quan tâm của truyền thông về thành phố cổ Phật giáo đã khiến cộng đồng quốc tế thức tỉnh về sự cấp bách của việc bảo tồn di sản này trước khi nó bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2012, cô bắt tay vào dự án “Những câu chuyện chưa kể: Lịch sử truyền khẩu của các di sản văn hóa Afghanistan”. Dự án sản xuất hàng loạt video ngắn và vô số bài viết, nghiên cứu nhằm giáo dục nhận thức tại cộng đồng địa phương. Cô còn ủng hộ việc xây dựng một bảo tàng quốc gia mới ở Kabul để trưng bày cổ vật của Afghanistan. Joanie cũng hợp tác với một trường học để xuất bản “Những câu chuyện chưa kể” dưới dạng sách cầm tay cung cấp cho các trường học, cộng đồng ở quốc gia Nam Á…
Phục dựng một bức tượng cổ của Afghanistan bị phá hủy
Mỗi di sản đều “mang triết lý riêng”
Kuanghan Li, Giám đốc chương trình bảo vệ và phát triển di sản Trung Quốc, nhấn mạnh việc bảo tồn các công trình kiến trúc trong thời kỳ phát triển kinh tế của thế kỷ 21 cần sự chung tay của nhiều người. Cô đã tham gia Quỹ Di sản toàn cầu (GHF) năm 2008 khi làm quản lý chương trình Di sản Trung Quốc của GHF với trọng trách bảo tồn thành cổ Bình Dao. Di tích này nổi tiếng với những bức tường thành cổ và đường phố cổ. Thành cổ được xây dựng từ thời Chu Tuyên Vương, đến thời Minh Hồng Vũ được trùng tu lại, bọc gạch toàn bộ; đến thời Khang Hy lại xây thêm các lầu thành.
Để bảo vệ các kiến trúc cổ không bị tác động bởi những dự án phát triển mới, cô đã phối hợp với các đối tác của GHF gồm Đại học Đồng Tế (Thượng Hải), Sở xây dựng tỉnh Sơn Tây, chính quyền huyện Bình Dao, UNESCO tại Bắc Kinh… Cô giám sát việc phục dựng các nhà cổ, soạn thảo và thực thi kế hoạch làm sống lại nghệ thuật truyền thống bằng cách phối hợp tay nghề thợ thủ công mới với cộng đồng thành cổ. Kuanghan còn mở các khóa đào tạo và giáo dục về bảo tồn cho các đối tác địa phương chịu trách nhiệm với phố cổ.
Mong cho các di sản được bình yên
Sau khi mô hình phục dựng nhà cổ đầu tiên thành công, GHF đã tạo cơ hội để bảo tồn và phát triển toàn bộ khu vực đường phố trong thành cổ. Mô hình này đã không chỉ áp dụng với Bình Dao mà còn lan sang tỉnh Sơn Tây. Ngoài Bình Dao, Kuanghan còn quản lý dự án cảnh quan văn hóa Quý Châu - một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc nhưng lại sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa phong phú. Cô tiếp tục thực hiện bảo tồn nhiều tháp trống, nhà hát cổ, nhà gỗ, xưởng làm giấy với niên đại từ giữa đời Minh.
Nền văn minh sông Hằng ở Ấn Độ cũng đang "lên tiếng". Nữ kiến trúc sư từng giành giải thưởng về bảo tồn Abha Narain Lambah miệt mài với công tác bảo tồn kiến trúc, phục dựng di tích lịch sử, nghiên cứu đánh giá, bảo tồn… Công ty của Lambah sở hữu những dự án ấn tượng gồm phục hồi ngôi chùa thờ Đức Di lặc thế kỷ 15 tại Basgo, Ladakh, các đền Krishna thế kỷ 16, thành cổ Sisupalgarh… Công trình hiện tại của cô là Tòa án tối cao Bombay, Đại sảnh Hội nghị Đại học Mumbai… Lambah tin rằng, mỗi cấu trúc di sản đều “mang triết lý riêng”. Để nâng cao nhận thức và đảm bảo cho các di sản không bị phá hủy, cô chủ trương “bắt đầu từ giáo dục trường học, nhận thức của người dân thông qua báo chí và cuối cùng là hành xử của một đứa trẻ trong môi trường phát triển”. Lambah đã được trao Giải thưởng Sanskriti, học bổng Eisenhower, học bổng Charles Wallace về đào tạo chuyên sâu trong kỹ thuật bảo tồn.