Mải chống dịch, mẹ 2 lần thất hứa với con

Linh Trần
31/05/2021 - 16:30
Mải chống dịch, mẹ 2 lần thất hứa với con

Các nhân viên y tế tại tâm dịch Bắc Giang đang lấy mẫu, xét nghiệm. Ảnh: NVCC

Những ngày qua, hàng ngàn y bác sĩ đã căng mình ở tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang với mong muốn cứu chữa được nhiều người và sớm dập dịch. Cũng vì thế, những người mẹ nén nỗi thương nhớ phải gửi con lại cho ông bà, những y bác sĩ không hẹn ngày về quyết tâm khống chế dịch.

Những ngày qua, Bắc Ninh, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước. Tính đến hết ngày 29/5, Bắc Giang đã có gần 1.900 bệnh nhân nhiễm Covid-19, còn Bắc Ninh cũng ghi nhận trên 700 ca. Số ca nhiễm nhiều, vì vậy đội ngũ y bác sĩ rất vất vả trong việc truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm. Cũng vì thế, nhiều y bác sĩ không thể về gia đình dù nhà ở gần. Điều dưỡng Nguyễn Thị Chiền (Trạm Y tế xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cũng vậy. 

Chị Chiền cho biết, ngày 5/5, xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Ngay trong đêm, chị được Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành điều động đi tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Nhận "lệnh", chị nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc sáng mai lên đường.

Chị kết hôn được 6 năm, đến nay sinh được 2 con. Cô con gái lớn 5 tuổi, bé út 4 tuổi. Trước đây, chồng chị làm thợ điện. Tuy nhiên, trong một lần bất cẩn anh bị điện giật. Dù giữ được tính mạng nhưng anh mất một bên chân, teo một cánh tay và không còn khả năng lao động. Vì thế, từ khi anh bị tai nạn, ngoài công việc, chị còn phải chăm chồng, chăm con. Mọi sinh hoạt gia đình đều trông vào số tiền lương của vợ (khoảng 5 triệu đồng/tháng). Thương vợ chồng chị, một người thân trong họ đã cho mượn căn nhà bỏ trống làm nơi tá túc.

Miệt mài ở tâm dịch - Ảnh 1.

Chị Chiền (bìa trái) cùng đồng nghiệp làm việc tại tâm dịch

Gần 23h đêm, thấy mẹ dậy lục đục, 2 con dậy theo. Chị dặn 2 con ngoan, mẹ đi công tác ít ngày. Nghe vậy, bé lớn bảo: "Tuần sau đến sinh nhật con rồi, mẹ về nhé". Còn bé út ôm chân "Mẹ ở nhà với em!". Nghe những lời các con, chị sụt sùi. Nhưng vì công việc chẳng thể khác được. Chị dặn chồng. "Chuyến này chắc em phải đi dài ngày. Giờ em đưa con sang gửi bà nội, nhờ bà từ mai đưa các cháu đi học. Anh ở nhà tự chăm lo cho bản thân. Em sẽ gửi tiền nhờ mợ thỉnh thoảng mua thức ăn mang đến cho anh". Nói rồi, chị dắt theo 2 con sang nhà bà nội. Năm nay, bà đã ngoài 70 tuổi, hiện đang ở tạm ngôi nhà cũ của bưu điện xã. Nhưng chị cũng chẳng còn cách nào khác vì ông bà ngoại mất đã lâu.

Những ngày tiếp theo, chị Chiền bước vào guồng quay công việc. Có những ngày, nhóm của chị xuất phát từ sáng sớm vào các điểm dịch, đến chiều mới được ăn cơm, vừa ăn xong lại vội vàng mặc quần áo bảo hộ để tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Làm việc đến 2-3h sáng, thậm chí xuyên đêm, có lúc mệt không muốn ăn uống gì, mọi người chỉ uống sữa hoặc oresol bù nước. "Có hôm, chúng tôi mới ngồi vào bàn ăn thì báo động, mọi người lại đứng dậy đi làm ngay. Dọc đường, mọi người hỏi chuyện, cũng chẳng nhớ mình đã ăn cơm chưa nữa", chị chia sẻ.

Công việc quay cuồng, vất vả. Nhiều đêm xong việc cũng đã sang ngày mới, chị muốn gọi điện về nhà nhưng lại thôi vì giờ này các con ngủ rồi. Trước khi có dịch, chị có hứa đến sinh nhật con gái lớn sẽ tặng búp bê công chúa Elsa. Đến ngày 14/5 là sinh nhật của cô con gái lớn, chị gọi điện chúc mừng con và xin lỗi bởi không thể thực hiện được lời hứa. "Tôi bảo với bé, đến 1/6 nhân Ngày quốc tế thiếu nhi mẹ sẽ mua cả 2 món quà tặng con bù cho sinh nhật. Con bé thích lắm, bảo mẹ không được sai hẹn nữa đâu đấy. Nhưng với tình hình này, tôi lại phải thất hữa với con", chị chia sẻ. 

Miệt mài ở tâm dịch - Ảnh 2.

Em bé ở nhà thấy mẹ trên tivi khóc đòi mẹ bế

Trong những ngày qua, dư luận rất thương cảm với câu chuyện em bé thấy mẹ là bác sĩ trên tivi thì khóc, đòi bế. Qua tìm hiểu, được biết chị là Phùng Thị Hạnh, đang công tác tại Khoa Chẩn đoán Chức năng (BV Quân y 103) hiện đang chi viện cho Bắc Giang. Chị Hạnh cho biết, đêm ngày 18/5/2021, khi nhận lệnh đến BV dã chiến truyền nhiễm số 2 tại Bắc Giang (do Bộ Quốc Phòng thành lập) chị cùng đồng đội ngay lập tức sắp quân tư trang để sáng sớm hôm sau lên đường vào tâm dịch. Khi đó, đứa con hơn 1 tuổi chị đành nhờ ông bà chăm sóc.

Khi chị đến tiếp viện, BV đang điều trị trực tiếp cho hơn 300 bệnh nhân Covid-19. Chị cuốn vào guồng máy công việc, nhiều lúc muốn gọi video về cho con cũng chẳng dễ dàng gì. Bởi khi con thức, chị lại đang làm việc trong bộ đồ phòng hộ kín mít, điện thoại chẳng thể dùng dễ dàng. Khi mẹ được nghỉ ngơi giữa ca trực thì con lại ngủ say. Vì thế, từ hôm mẹ đi, con mới hơn 1 tuổi "tạm quên" mẹ cho đến khi thấy mẹ trên tivi, bao tủi thân, bao nhớ nhung dồn về, con òa khóc đòi mẹ bế và người nhà đã ghi lại cảnh này gửi cho chị. Nhìn những hình ảnh của con, chị thương trào nước mắt. Dù vậy, chị cũng đành nén lòng vì ở đây còn quá nhiều bệnh nhân cần sự chăm sóc, điều trị. Phút giải lao hiếm hoi, Hạnh nhắn vào nhóm Zalo "Chị em V3 Bắc Giang" với những dòng tâm sự mà sau đọc xong, đồng đội chỉ biết lặng người, rồi ai cũng bảo "cố gắng thêm chút". "Là bà mẹ nên khi phải xa con dài ngày không ai nỡ. Nhưng vì công việc, vì cuộc chiến chống dịch nên chúng tôi cũng phải hy sinh chuyện gia đình, hạnh phúc cá nhân với mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh", chị Hạnh chia sẻ.

Chưa rõ ngày về

Trước tình hình dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh căng thẳng, tỉnh Yên Bái quyết định cử đoàn y bác sĩ đến hỗ trợ lần 2. Đoàn gồm 20 thành viên và Hoàng Văn Tiệp (BV Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ) là trẻ nhất, anh mới 26 tuổi.

Nhà Tiệp ở huyện Lục Yên, cách nơi làm việc đến 200km. Vì vậy, khi Ban giám đốc BV cử đi chi viện cho Bắc Giang, anh không kịp về thăm nhà, chào bố mẹ và em gái. Cầm theo tờ quyết định bỏ trống ngày về, Tiệp về phòng trọ chuẩn bị tư trang, đồ đạc. Tại Bắc Giang, Tiệp đóng chốt lại chùa Trung Đồng của xã Vân Trung (huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Những ngày qua, nhiệt độ ngoài trời lên cao ở mức 35-36 độ C. Tuy nhiên, nhóm của Tiệp trong đồ bảo hộ kín mít, liên tục tiếp nhận, thăm khám, sàng lọc cũng như chăm sóc ban đầu cho các ca nghi mắc Covid-19.  Chẳng ai bảo ai, cả đoàn cứ thế làm việc đến tối muộn. Chỉ đến khi sư thầy nhắc chuyện ăn uống, mọi người mới chịu nghỉ tay.

Chia sẻ lý do để trống ngày về, Tiệp bảo qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, thấy rằng tình hình dịch vẫn đang căng thẳng chẳng biết khi nào mới chấm dứt. "Em quyết tâm cùng mọi người chiến đấu, chống dịch đến ngày khống chế được dịch mới trở về. Mà đó là ngày nào thì cũng chưa biết. Vì vậỵ, em để trống ngày về", Tiệp chia sẻ.

Bùi Thành Công (27 tuổi, đoàn của BV Đa khoa Nghĩa Lộ) cùng nhóm với Tiệp. Công việc tuy vất vả, nhưng Công cũng chưa một lời kêu ca, phàn nàn. Anh bảo, khi nhận nhiệm vụ lên đường, Công chỉ kịp nói vài câu với bố mẹ: "Con đi theo lời kêu gọi của ngành y tế Yên Bái xuống Bắc Giang chống dịch". Bố mẹ rất lo nhưng vẫn động viên: "Con nhớ giữ gìn sức khỏe, gắng hoàn thành công việc nhé con. Dịch chưa hết thì chưa được về nhớ chưa". Nghe những lời đó, anh vui hẳn lên.

Tại nơi được phân công, anh nhanh chóng thích nghi với cường độ công việc cao. Bất kể lúc sáng sớm hay khi tối muộn, cứ có bệnh nhân đến là Công bật dậy làm việc. "Có những hôm phải vào từng thôn làm công tác truy vết, khám bệnh cho người nghi mắc Covid-19 tại nhà, bọn em quên cả ăn. Đến khi về thì xuất cơm trong hộp đã nguội, trời nắng nóng nên rất nhanh hỏng, nhóm em lại uống sữa thay ăn để lấy sức làm việc", Công cười hiền.

Công bảo, bản thân là người địa phương khác, chưa quen  giọng nên mấy hôm đầu tiếp xúc với người dân phải nói nhiều, nói to để mọi người hiểu. Chưa kể, thời điểm này nắng nóng, nhiều khi mồ hôi chảy vào mắt, cay xè rất khó chịu. "Làm việc ở đây rất mệt nhưng em không cảm thấy buồn. Nếu có mệt mỏi, mọi người đều nói với nhau rằng chỉ cần cố thêm một chút nữa, một chút nữa thôi...", Công chia sẻ.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm