pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Những cung đường thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo
19 năm hình thành và hoạt động trong diễn tiến phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội dần trưởng thành. Từ một ngân hàng chuyên trách trong vai trò "cánh tay nối dài" của Đảng, Chính phủ triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã dần từng bước tham gia sâu vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội, trở thành công cụ hữu hiệu thực thi các chính sách tín dụng khẩn cấp, đảm bảo nền kinh tế đất nước hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.
Từ thuở sơ khai, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ thực hiện 3 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên với nguồn lực hạn hẹp. 8 năm đầu thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội đã đề xuất, triển khai nhiều giải pháp tăng trưởng nguồn vốn, từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình giảm nghèo, công tác an sinh xã hội.
Đến năm 2010, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay tới 18 chương trình tín dụng dựa trên nền tảng của 3 chương trình tín dụng ban đầu, phủ kín nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ vì sự phát triển cân đối của nền kinh tế và sự ổn định xã hội.
Tính đến đầu tháng 10/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đã đạt trên 255 nghìn tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt gần 25 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng trưởng ổn định là nền tảng để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 242 nghìn tỷ đồng, với 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.
Những thành quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao và ghi nhận bằng danh hiệu cao quý "Anh hùng lao động" thời kỳ đổi mới.
Tiếp bước trên chặng đường mới, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực được dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc sớm, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, lao động, đời sống của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội định hướng phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài. Đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.
Các mục tiêu, định hướng, giải pháp sẽ được thiết kế và xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với thực tiễn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm vừa qua, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.