Những dấu hiệu cho thấy con bạn đang bị bắt nạt

07/10/2017 - 17:45
“Con trai tôi từng muốn chuyển về trường cũ học vì bị bạn ở lớp mới, trường mới bắt nạt. Tôi đã sai lầm khi tìm gặp bạn con để thuyết phục chúng đừng đụng đến con tôi nữa. Tai hại thay, cháu bị bắt nạt nhiều hơn!” - chị Ngọc Minh (ĐHSP Hà Nội) chia sẻ.

Những đứa trẻ dễ bị bắt nạt

Chị Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên trường ĐHSP Hà Nội, đã chia sẻ về chủ đề “con bị bắt nạt” nhân dịp ra mắt cuốn sách “Tớ không sợ bị bắt nạt” (tác giả Emmanuelle Piquet - NXB Nhã Nam biên dịch và phát hành) vào sáng nay (7/10) tại Hà Nội.

Đây là đề tài không chị riêng chị Minh, người mẹ có hai con trai quan tâm, mà còn là câu chuyện đau đầu của những bà mẹ có con bị bạn bè, thậm chí thầy cô bắt nạt hàng ngày mà không hề hay biết.

Khi biết con mình đang có một nhóm bạn liên tục kiếm cớ gây sự, người mẹ trẻ quyết định đi tìm nhóm bạn đó để “thương thuyết”, nhờ các bạn đừng làm phiền con chị nữa. Kết quả của cuộc gặp đó thật khủng khiếp, khi chính sự can thiệp không đúng cách đã khiến con chị bị bạn bắt nạt nhiều hơn, khiến tình hình thêm căng thẳng.

bulliedchildren.jpgKhông khó để bắt gặp tình trạng trẻ bắt nạt nhau ở trường học. Ảnh minh họa

Có nhiều trải nghiệm về vấn đề trẻ bị bắt nạt, chị Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng, những đứa trẻ dễ bị bắt nạt khi chúng thiếu tự tin, dễ tổn thương. Một đứa trẻ tự tin, không hề e sợ sẽ dễ dàng tạo cho mình một hàng rào chắc chắc không ai dễ đụng vào.

“Trong khi đó, “kẻ” bắt nạt chính là những đứa trẻ thèm khát nhìn thấy sự sợ hãi, hoang mang của người khác. Khi “đối tượng” mà chúng nhắm đến không còn hoang mang, sợ hãi nữa thì nó sẽ đi tìm bạn bè khác để thỏa mãn thèm khát đó” – nữ phụ huynh chia sẻ.

Hành vi bắt nạt nhau, nặng nề nhất là tẩy chay, theo bà Phạm Xuân – Hiệu trưởng trường Mầm non Rising Star (Hà Nội) thậm chí xuất hiện rất sớm, từ lứa tuổi mầm non. Đây cũng là đối tượng ít có khả năng tự vệ, là cá nhân thiếu quyền lực nhất trong gia đình.

“Trẻ càng bé, biểu lộ hung hăng càng thể hiện rõ nét vì ít che giấu được cảm xúc. Thường thì bạn nào to lớn, khỏe hơn thì sẽ bắt nạt bạn bé. Ngược lại, cũng có những bạn bé bắt nạt nhau như cấu, đánh, cào nhau. Ngoài bắt nạt thể xác, bé còn có biểu hiện bắt nạt bạn bằng ngôn ngữ như bảo nhau “Đừng chơi với nó, thằng béo ú, thằng ị đùn…” – nữ Hiệu trưởng lấy ví dụ.

Theo bà Phạm Xuân, trẻ bị bắt nạt sẽ thấy rõ hai hệ quả: Con sẽ luôn tin vào những lời và nhận định mà kẻ bắt nạt “dán nhãn” vào mình, từ đó cảm thấy bản thân mình xấu xí, không đủ tích cực, vững vàng và dễ bị tổn thương. Hệ quả thứ hai là trẻ sẽ vùng vẫy trong sự giận dữ. “Về nhà thì đeo mặt nạ chứng tỏ mình ổn, nhưng khi một mình thì đấm đá, tra tấn chính mình do không có lối thoát nào để đương đầu với sự giận dữ đó”.

Nhận diện trẻ bị bắt nạt

“Trẻ mầm non chưa biết che giấu cảm xúc nên mẹ dễ phát hiện ra con bị bắt nạt, ví dụ như con sẽ mách khi bị bạn đánh. Một số trẻ không nói ra thì thường bị sang chấn tinh thần như ngủ mơ rồi dậy khóc nước mắt đầm đìa, gặp bất thường về ăn, ngủ... cũng là những bé có nguy cơ đang bị bắt nạt” - bà Phạm Xuân lưu ý.

Với trẻ lớn hơn, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương- chuyên gia tâm lý trường ĐHSP Hà Nội, mẹ dễ dàng phát hiện ra khi con có dấu hiệu bị bắt nạt, thậm chí bạo lực như:

- Quần áo sách vở đồ dùng học tập của con bị mất, xộc xệch, hủy hoại khi đi học về.

- Cơ thể con có vết cắn, cào cấu bầm không giải thích được

- Con sợ đi học, sợ đi bộ đến trường hoặc từ trường về, từ chối đến buổi sinh hoạt với bạn bè, đi đường vòng từ trường về nhà

- Con không hứng thú với việc làm bài, việc học bị sa sút, buồn vui thất thường, rối loạn khí sắc như trầm cảm, lo âu, khó ngủ, thường xuyên bị ác mộng, giảm lòng tự tin.

Còn theo chị Ngọc Minh, sử dụng ngôn ngữ tiêu cực rất có thể là một trong những dấu hiệu con bị bắt nạt. Con luôn nói ra việc tiêu cực như con không làm được đâu, con không thể… “Đó là lúc con thấy sợ hãi, bất lực, điều này ảnh hưởng đến chiến lược dùng lời của con, theo hướng tiêu cực”.

Giúp con bằng hiệu ứng mũi tên ngược

Kinh nghiệm của chị Ngọc Minh khi biết con bị bắt nạt là sớm giúp con cân bằng cảm xúc, thể hiện sự quan tâm, lo lắng và yêu thương con nhiều hơn để con lắng lại tức thời sự lo âu sợ hãi của mình.

“Khi con cảm giác an toàn và tự do rồi, lúc đó mới để cho con kể lại câu chuyện vì sao con bị bắt nạt, hoặc vì sao con bắt nạt người khác. Khi con nhận ra được vấn đề, tôi lại tiếp tục đặt câu hỏi: Theo con làm thế nào, tại sao con bị bắt nạt? Nghĩa là cùng con đưa ra các phương án khác nhau hoặc phản biện các phương án của con để tìm cách giải quyết tốt nhất” - chị Minh nói

Một phương án để xử lý tình trạng con bị bắt nạt, theo bà Phạm Xuân, bố mẹ có thể sử dụng “hiệu ứng bomerang”, hay còn gọi là hiệu ứng mũi tên ngược. Tức là biến những điểm yếu của trẻ thành thế mạnh, dùng cách đó để làm vũ khí phòng ngừa bằng tất cả sự tự tin của con

“Rèn sự tự tin của con, thể hiện qua phong thái, hãy giúp con đi thẳng, nhìn thẳng, tự tin thoải mái, không e sợ trước bạn bè. Nghĩa là con sẽ đối diện với nỗi sợ hãi đó, “trưng” nó ra cho mọi người thấy, để kẻ bắt nạt thấy rằng dù chúng có chê bai, giễu cợt con, con cũng không bị tổn thương!” – bà Phạm Xuân nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm