pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những dấu hiệu dễ bị bỏ qua của bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Ảnh minh họa
Bé Lê Hải Nam (4 tuổi, ở tỉnh Bắc Ninh) bỗng nhiên chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy. Mẹ của cháu ra hiệu thuốc hỏi thì người bán thuốc bán cho thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa. Hai ngày sau, cháu Nam kêu đau bụng, mẹ bé lấy dầu cao xoa cho con và tiếp tục theo dõi. Đến trưa ngày hôm sau, Nam bắt đầu sốt và đau bụng dữ dội. Lúc này gia đình mới vội đưa cháu Nam đi viện. Bác sĩ cho biết, bé bị viêm ruột thừa cấp tính, phải làm phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.
Theo bác sĩ Đoàn Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), khi trẻ bị viêm ruột thừa có thể bị sốt và đau dữ dội. Cơn đau này thường ở vùng bụng dưới bên phải. Nếu cơn đau bụng của trẻ trở nên trầm trọng hơn khi cử động, hít thở sâu, ho hoặc hắt hơi, cần xem xét nghiêm túc khả năng trẻ bị viêm ruột thừa. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm kiếm các dấu hiệu khác của viêm ruột thừa.
Bác sĩ Đoàn Hồng chỉ ra cách phân biệt các triệu chứng viêm ruột thừa ở trẻ em và ở người lớn. Ở hầu hết người lớn, có một số triệu chứng viêm ruột thừa cụ thể đi kèm với đau bụng. Chúng thường bao gồm hiện tượng ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, sốt nhẹ, không có khả năng xì hơi hay đi tiêu, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Đối với trẻ em lại khác. Cùng với triệu chứng đau bụng, hầu hết trẻ bị viêm ruột thừa thường bị sốt và đau dữ dội, một cơn đau nhói xuất hiện ngay sau khi có áp lực đặt lên vùng bụng dưới bên phải. Trẻ cũng có thể có số lượng bạch cầu tăng cao, đây là dấu hiệu của nhiễm trùng. Bác sĩ có thể kiểm tra số lượng bạch cầu bằng xét nghiệm máu. "Nếu thấy trẻ có những triệu chứng như buồn nôn, nôn và chán ăn thì chưa chắc đó là dấu hiệu của viêm ruột thừa. Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ em từ 2 đến 5 tuổi thường bị đau bụng và nôn mửa nếu bị viêm ruột thừa, sốt và chán ăn cũng là triệu chứng thường gặp. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, viêm ruột thừa thường gây nôn mửa, chướng bụng và sốt, triệu chứng tiêu chảy cũng không phải là hiếm gặp", bác sĩ Đoàn Hồng cho biết.
Để xác nhận chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ, bác sĩ thường khuyến cáo nên thực hiện siêu âm trước, sau đó chỉ chụp CT nếu siêu âm không kết luận được. Nếu viêm ruột thừa không được phát hiện ở giai đoạn đầu, ruột thừa có thể vỡ và gây nhiễm trùng phúc mạc, màng lót khoang bụng. Nhiễm trùng này được gọi là viêm phúc mạc, có thể lây lan nhanh chóng và có khả năng gây tử vong.
Bởi vì viêm ruột thừa khó chẩn đoán ở trẻ em hơn người lớn, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi, nên khoảng 30% trẻ mắc bệnh này sẽ bị thủng ruột thừa (vỡ) trước khi được điều trị. Đối với trẻ bị viêm ruột thừa cấp tính và chưa bị vỡ, cắt ruột thừa khẩn cấp là phương pháp điều trị tối ưu được chấp nhận.
Khi ruột thừa bị vỡ thì phải cắt ruột thừa trong vòng 24 giờ sau khi nhập viện. Hoặc cắt ruột thừa ngắt quãng, thực hiện vài tuần sau khi sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Cắt ruột thừa sớm có thể rút ngắn thời gian dùng kháng sinh, giảm nhu cầu tăng cường kháng sinh và giảm thời gian nằm viện.
Bác sĩ Đoàn Hồng cũng khuyến cáo, viêm ruột thừa ở trẻ là căn bệnh khó lường. Khi gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở uy tín để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.