pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều bạn cần biết về mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán
Có thể nói, bên cạnh các món ăn truyền thống ngày Tết, mâm ngũ quả chính là một phần không thể thiếu trên bàn thờ của mỗi gia đình. Mâm ngũ quả không chỉ là nơi các thành viên trong gia đình gửi gắm ước nguyện tốt đẹp trong những ngày đầu năm, mà đây còn là nơi thể hiện nét đẹp tín ngưỡng trong văn hóa Việt.
Dù thời gian có qua đi, mâm ngũ quả có nhiều biến tấu, hiện đại hơn, cầu kỳ hơn nhưng mâm ngũ quả vẫn mang ý nghĩa to lớn cho sự may mắn trong năm mới và cầu mong sự bình an cho các thành viên trong gia đình.
Ảnh: Le Bich Flickr
Vào các ngày 29, 30 Tết, các gia đình thường lau dọn và sửa soạn bày trí mâm ngũ quả. Sở dĩ gọi là mâm ngũ quả vì trên mâm cỗ có 5 loại trái cây. Tuy mỗi vùng miền có một quan niệm hay cách bài trí khác nhau về mâm ngũ quả cũng như ý nghĩa riêng của từng loại trái cây nhưng vẫn mang một ý nghĩa to lớn chung của gia chủ vào dịp Tết đến xuân về.
Ảnh: VnExpress
Mâm ngũ quả miền Bắc
Ở miền Bắc, mâm ngũ quả được bày biện theo thuyết ngũ hành. Năm loại quả đại diện cho 5 yếu tố cấu thành nên vũ trụ: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, tương ứng với 5 màu trắng - xanh - đen - đỏ - vàng.
"Ngũ" ở đây còn thể hiện ước muốn của gia chủ, cầu mong đạt được "ngũ phúc lâm môn": Phúc (may mắn), Quý (giàu có), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình an).
Theo đó, ở miền Bắc, đa phần trên mâm ngũ quả luôn có nải chuối xanh (tương ứng với hành Mộc) đặt chính giữa và đặt trên là quả bưởi màu vàng (hành Thổ). Nhiều nơi cũng dùng quả phật thủ màu vàng để thay thế cho quả bưởi với ý nghĩa bao bọc, che chở. Xen kẽ, người ta bày những trái cây có màu sẫm như hồng xiêm hay nho (hành Thủy), đào (hoặc roi) màu sắc sáng tươi đại diện cho hành Kim và cuối cùng là táo đỏ, dưa hấu hay thậm chí ớt đại diện cho hành Hỏa.
Ảnh: Báo Giao thông
Mâm ngũ quả miền Trung
So với miền Bắc, mâm ngũ quả của miền Trung không quá cầu kỳ và quá câu nệ về hình thức hay ý nghĩa của từng loại trái cây. Thay vào đó, mâm ngũ quả của các tỉnh miền Trung thường là "có gì cúng nấy".
Xét về điều kiện khí hậu ở miền Trung, thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè, thường xuyên xảy ra bão lũ nên cây ăn quả ít có sự đa dạng. Tuy vậy, không vì thế mà người miền Trung không quan tâm đến ý nghĩa chung của mâm ngũ quả trong dịp lễ Tết.
Bằng tấm lòng thành dâng kính tổ tiên, luôn cầu mong một năm mới vạn sự như ý, mỗi gia đình có một cách bày trí khác nhau với nhiều loại trái cây tươi ngon như: thanh long, bưởi, dưa hấu, dứa (thơm), chuối...
Mâm ngũ quả miền Nam
Không có gì ngạc nhiên khi mâm ngũ quả của người miền Nam đa dạng và rất phong phú. Người dân nơi đây thường coi trọng ý nghĩa của các loại trái cây khi dâng mâm ngũ quả lên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết.
Ảnh: Cooky.vn
Theo quan niệm trong dịp Tết, mâm ngũ quả ở miền Nam thường có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài với mong ước "cầu vừa đủ xài": cầu cho sự đủ đầy, sung túc trong những ngày đầu năm mới. Cụ thể, mãng cầu mang ý nghĩa là cầu chúc vạn điều như ý muốn, dừa tương ứng với sự đủ đầy, không thiếu; sung nghĩa là sung túc, sung mãn về sức khỏe, đu đủ mang nghĩa cuộc sống thịnh vượng, xoài phát âm như "xài" mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
Cách bày trí được xếp theo thứ tự từ những quả lớn như mãng cầu, đu đủ hay dừa xếp trước để tạo thế vững chắc, sau đó là các loại trái cây nhỏ bày lên trên để tạo hình dạng như một ngọn tháp. Ngoài ra, nhiều gia đình còn bày trên cặp dưa hấu xanh đỏ để cùng mâm ngũ quả thể hiện mong ước sự thịnh vượng giàu có, hạnh phúc và an khang.
Có một điểm khác biệt nho nhỏ giữa các vùng miền là đối với người Bắc, cam quýt thể hiện cho sự may mắn, vẹn tròn thì những loại trái cây này ở miền Nam lại không cúng bởi người Nam quan niệm đó là những loại quả mang ý nghĩa không may mắn, gắn liền với câu "quýt làm cam chịu". Tương tự, người miền Nam cũng không cúng chuối (nghĩa như "chúi nhủi" làm ăn thất bát) hay lê (lê lết, thất bại).
Tóm lại, mâm ngũ quả tuy mỗi vùng miền có sự khác nhau nhất định nhưng có thể khẳng định đây là nét đặc trưng trong văn hóa người Việt Nam, thể hiện sự thành tâm hướng về cội nguồn tổ tiên và cầu mong năm mới luôn hạnh phúc, đủ đầy và trọn vẹn.